Ngư dân lén lút bán cá chết

ANTĐ - Mặc dù Bộ NN&PTNT cũng như các địa phương đều có lệnh cấm ngư dân thu vớt cá chết để làm thực phẩm hoặc thức ăn gia súc nhưng vài ngày trở lại đây, người dân ở một số địa phương đã lén lút thu gom cá chết để bán cho thương lái. Đáng nói, thái độ của các sở, ngành chức năng ở các địa phương có tình trạng trên lại khá thờ ơ.

Ngư dân lén lút bán cá chết  ảnh 1

Hiện tượng cá chết rải rác xuất hiện trở lại tại Quảng Bình

Theo phản ánh của người dân địa phương, trong 2 ngày 25 và 26-4, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, hiện tượng cá chết xuất hiện trở lại dù số lượng không nhiều. Ngày 26-4, ông Phan Văn Khoa, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng  Bình xác nhận, hiện tượng cá chết đã xuất hiện trở lại tại một số điểm ở Quảng Trạch, Ba Đồn, Bố Trạch từ ngày 25-4 nhưng số lượng ít, không nhiều như trước.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến phản ánh “ngư dân ở huyện Bố Trạch nhặt cá chết lén lút bán cho thương lái tiêu thụ”  dù đã có lệnh cấm, thậm chí có tình trạng một số thương lái đã mang xe đông lạnh đến thu gom, ông Phan Văn Khoa cho rằng, trách nhiệm này thuộc về Sở TN-MT và lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình. “Chúng tôi không có nhiều người để kiểm tra, giám sát. Hơn nữa, chúng tôi cũng đã có văn bản nhắc nhở về việc này. Còn khâu kiểm soát, quản lý việc tiêu thụ phải do quản lý thị trường”, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình nói.

Cũng liên quan tới vấn đề này, chiều 26-4, UBND tỉnh Quảng Bình đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành kiểm soát chặt việc người dân vớt cá chết đem bán. Theo đó, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở NN&PTNT, Sở TN-MT, Sở Y tế và UBND các địa phương có biển là Quảng Trạch, Ba Đồn, Bố Trạch, Đồng Hới, Quảng Ninh và Lệ Thủy - ngoài việc kiểm soát chặt chẽ các hoạt động chế biến thực phẩm, mua bán, vận chuyển hải sản trong thời gian này, phải tổ chức thu dọn và xử lý cá chết.

Việc thu gom cá chết để làm thức ăn cho vật nuôi cũng bị nghiêm cấm. Còn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, những ngày đầu, khi cá chết nhiều, người dân không biết nên đã lấy về ăn. Sau khi được khuyến cáo, tình trạng này đã giảm.

Ngoài ra, Sở này cũng phối hợp với chính quyền địa phương và người dân thu gom cá chết và tiêu hủy bằng cách rắc vôi bột vào các hố chôn. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở này, cơ quan chức năng tỉnh cũng phải thường xuyên kiểm tra nhằm tránh tình trạng đào trộm cá chết mang đi tiêu thụ. 

Chiều 26-4, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho biết đã liên lạc trực tiếp với tổ công tác của Tổng cục Thủy sản tại các tỉnh miền Trung và được biết, tình trạng cá chết xuất hiện rải rác trở lại ở Quảng Bình. Hà Tĩnh không có hiện tượng này.

Tổng cục Thủy sản đã yêu cầu Tổ công tác tiếp tục lấy thêm mẫu cá chết ở vùng biển Quảng Bình để phân tích, tìm nguyên nhân.  “Liên quan đến việc xử lý, khắc phục hậu quả cá chết, Bộ NN&PTNT đã có 2 văn bản gửi các địa phương đề nghị kiểm tra, kiểm soát việc tiêu hủy, chôn lấp, đặc biệt nghiêm cấm ngư dân sử dụng cá chết dưới bất kỳ mục đích nào, kể cả làm thức ăn gia súc”, ông Như Văn Cẩn cho hay.

Theo đó, các địa phương phải có trách nhiệm chỉ đạo Sở NN&PTNT, các lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản kiểm soát việc thu gom, chôn lấp cá chết, đảm bảo không bị tuồn ra ngoài thị trường.

Thống kê từ Tổng cục Thủy sản cho biết, lượng cá chết tại các tỉnh miền Trung trong những ngày qua khoảng 40 tấn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là ước lượng. Từ ngày 25-4, khi hiện tượng cá chết trên vùng biển Hà Tĩnh không còn, ngư dân các xã ven biển của thị xã Kỳ Anh đã ra khơi đánh bắt cá về sử dụng và tiêu thụ.