Ngập, sạt mỏ than, nguy cơ thiếu điện

ANTĐ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lo ngại tình trạng mưa lớn kéo dài tại tỉnh Quảng Ninh sẽ gây khó khăn cho việc cung ứng than đến các nhà máy nhiệt điện. Nếu không sớm có giải pháp khắc phục, thiếu điện có thể xảy ra.

Ngập, sạt mỏ than, nguy cơ thiếu điện ảnh 1Công ty than Mông Dương nỗ lực khôi phục các hệ thống thiết bị sàng tuyển

Vận chuyển than bị ngưng trệ

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, tính đến 9h ngày 2-8, nhiều mỏ hầm lò, mỏ lộ thiên và hệ thống giao thông đến các mỏ vẫn bị ngập, sạt lở và ách tắc. Cụ thể, tại mỏ than Ngãi Hai, lượng nước trong lò tăng đột biến đã làm ngập mỏ từ mức -175 đến -150m. Tại mỏ than Mông Dương, toàn bộ khu vực sản xuất từ mức -250 đến trên mức -97m bị ngập nước và mặt bằng mỏ bị mưa lũ làm hư hỏng nặng. Đây cũng chính là mỏ chịu hậu quả nặng nề nhất trong đợt mưa lũ. “Công tác cứu mỏ đang được tích cực triển khai, tập trung bơm ngăn nước dâng. Tuy nhiên, dự kiến phải mất từ 3-5 tháng, mỏ than Mông Dương mới quay trở lại sản xuất được” - đại diện TKV cho hay. 

Trong khi đó, tại các mỏ hầm lò khác, lượng nước trong lò đều gia tăng với lưu lượng lớn (khu vực Bắc Bàng Danh - Công ty than Hòn Gai bị ngập nước, một số công trường của Công ty than Dương Huy, Công ty than Hạ Long cũng bị ảnh hưởng nặng...). Bùn đất cũng đã tràn lấp mặt bằng các mỏ Giáp Khẩu (Công ty than Hòn Gai) và một số khu vực khác. Đối với các mỏ lộ thiên, mưa lớn gây sạt lở nhiều hệ thống tầng, bờ moong mỏ, vỡ mương thoát nước, vùi lấp nhiều máy móc. Hệ thống đường giao thông nội bộ bị chia cắt, bùn đất chảy vào moong khai thác khoảng 1,0 triệu m3; vùi lấp khu vực máng ga Lộ Phong và kho than 9 của Công ty than Hà Tu…  Hệ thống suối thoát nước của hầu hết các đơn vị bị bồi lấp, kè chắn hư hỏng nặng. 

Mưa lớn không chỉ làm gián đoạn công tác khai thác than trong các hầm mỏ mà còn cuốn trôi hàng nghìn tấn than của các đơn vị sàng tuyển, kho vận. Tường chắn, đê bao chân vỡ, ngập úng làm một lượng lớn than tràn ra ngoài. Theo ước tính của TKV, tổng thiệt hại dự kiến tại thời điểm 31-7-2015 lên đến 1.000 tỷ đồng và có thể tăng cao hơn nếu thời tiết còn diễn biến phức tạp. Đồng thời, các ngày cuối tháng 7 phải ngừng sản xuất đã làm giảm sản lượng than sản xuất, tiêu thụ trên 0,5 triệu tấn. 

Mưa lớn cũng làm sạt lở, ách tắc hàng chục kilômet tuyến đường vận chuyển than chuyên dụng với khối lượng đất đá phải xử lý khoảng 200.000m3. Hệ thống vận chuyển than bị chia cắt khiến công tác khai thác, vận chuyển bị gián đoạn dẫn đến nguy cơ thiếu than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện.

Lo thiếu điện

Để chia sẻ và giải quyết những khó khăn trong việc cung cấp than do điều kiện bất khả kháng về thời tiết, cuối tuần qua, lãnh đạo TKV và EVN đã có cuộc họp khẩn bàn biện pháp phối hợp giải quyết. Theo đó, trong những ngày tới, TKV sẽ tập trung khôi phục hệ thống đường giao thông trong khu vực Hòn Gai - Cẩm Phả để tiếp tục vận chuyển cấp than từ các mỏ ở khu vực này ra cảng, tập trung ưu tiên cấp than cho nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 với lượng bốc dỡ tối thiểu 5.000 tấn/ngày. Ưu tiên tiếp theo là cấp than cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 với lượng bốc dỡ tối thiểu 6.000 tấn/ngày. Đây là lượng than tiêu thụ để một tổ máy chạy đầy tải trong 1 ngày, nhằm giảm áp lực thiếu điện ở khu vực phía Nam.

Theo ước tính của EVN, tính đến ngày 31-7, lượng than đang trữ trong các nhà máy nhiệt điện thuộc EVN còn khá ít. Đặc biệt là tại nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 và Vĩnh Tân 2. Cụ thể, tại nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, lượng than hiện có trong kho và cảng còn khoảng 97.000 tấn, đủ cho 2 tổ máy chạy đầy tải trong 10 ngày nữa.

Tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, tổng lượng than còn 55.000 tấn, chỉ đủ cho một tổ máy chạy đầy tải trong hơn 5 ngày. Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh cũng chỉ đủ than cho tổ máy 1 và tổ máy 2 chạy trong 7 ngày. Lượng than trữ tại các nhà máy: Uông Bí, Nghi Sơn, Hải Phòng, Phả Lại 1-2, Ninh Bình chỉ đủ cho 20 ngày phát điện. Với hậu quả nặng nề do mưa lớn gây ra tại các mỏ than và hệ thống giao thông, việc cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện chắc chắn bị ảnh hưởng.

Để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, EVN đang huy động các nguồn điện khác, giảm huy động từ các nhà máy nhiệt điện. Đồng thời, EVN cũng phải tìm kiếm các nguồn than khác. Tập đoàn này cũng khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm để giảm tải cho hệ thống.

Thêm nhiều vùng bị mất điện

Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết, tính đến 8h ngày 2-8, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có thêm nhiều vùng bị mất điện, do nước ngập xuất hiện ở Uông Bí và Đông Triều. Mưa lớn trong ngày 1 và 2-8 đã làm thành phố Uông Bí mất 5 trạm biến áp cung cấp điện cho 1.349 khách hàng. Tại huyện Đông Triều, khoảng 7.000 khách hàng bị mất điện. 

Đến thời điểm này, một số tỉnh như Sơn La, Lạng Sơn, Điện Biên, Nghệ An cũng đang gặp sự cố điện do mưa. EVNNPC đang khẩn trương khắc phục.