Hà Nội kiên quyết dẹp loạn "cát tặc"

ANTĐ - Thành phố Hà Nội với nhiều đoạn sông giáp ranh các tỉnh lân cận như sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ, sông Cầu khiến cho nạn “cát tặc” vô cùng phức tạp. 

Trên địa bàn thành phố có tới gần 20 khu vực khai thác cát, trong đó 2/3 là không phép, sai phép. Nạn “cát tặc” ngày càng gây bức xúc dư luận, bởi nó không những làm thất thoát lớn nguồn tài nguyên của Nhà nước mà còn gây những hậu quả nghiêm trọng như gây biến đổi dòng chảy, ảnh hưởng đến giao thông đường thủy, đe dọa đến hệ thống đê điều, công tác phòng chống bão, lũ, gây ô nhiễm môi trường và mất ANTT ở địa phương…

Hà Nội kiên quyết dẹp loạn "cát tặc" ảnh 1

Hà Nội kiên quyết đấu tranh với nạn "cát tặc"

Điển hình như vụ việc mới được TAND TP Hà Nội xét xử cuối tháng 3 vừa qua, nhóm đối tượng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Phúc Thọ do Vũ Anh Toàn cầm đầu, chỉ trong vòng 4 tháng đã khai thác gần 250.000m3 cát, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 5 tỷ đồng… 

Cùng với các điểm khai thác cát, ven các dòng sông hiện cũng có khoảng 200 bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng thuộc địa bàn 16 quận, huyện, thị xã. Qua kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường phát hiện trên 160 bãi trong số đó đang hoạt động trái phép do lấn chiếm, vi phạm về chuyển mục đích sử dụng đất...

Hầu hết các địa điểm này cũng chính là nơi tập kết số cát “ăn trộm” của Nhà nước, không chỉ vi phạm quy hoạch, quản lý đất đai, thất thoát nguồn thu ngân sách mà còn gây bức xúc trong nhân dân khi cùng với nó là tình trạng xe quá khổ, quá tải tàn phá các tuyến đường, gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ tai nạn giao thông. 

Dù các lực lượng chức năng như Cảnh sát đường thủy, công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội đã liên tục bắt giữ nhiều trường hợp khai thác cát trái phép, nhưng tình trạng vẫn không hề giảm, thậm chí còn diễn biến phức tạp và thủ đoạn tinh vi hơn như khai thác lén lút vào ban đêm, tổ chức cảnh giới, lợi dụng giấy phép nạo vét lòng sông, sử dụng lao động nghèo...

Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn thiếu, chưa đồng bộ; việc kiểm tra bắt giữ tàu hút cát ở trên sông, cửa biển tiềm ẩn nhiều phức tạp, đối tượng manh động chống đối bằng nhiều cách... Chính quyền địa phương nơi xảy ra nạn khai thác cát trái phép hầu hết đều “bó tay” vì không có thẩm quyền, phương tiện để quản lý, xử lý; không ít nơi còn thờ ơ, buông lỏng.

Trước thực trạng đó, từ đầu năm đến nay Hà Nội đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ ngăn chặn việc khai thác trái phép cát. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các Sở, ngành liên quan xử lý kiên quyết chủ tàu thuyền hút cát trái phép trên các tuyến sông thuộc địa bàn thành phố và địa bàn giáp ranh; UBND cấp xã kiểm tra, hủy bỏ các hợp đồng thuê thầu làm bến bãi kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng trái pháp luật; thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan trong công tác quản lý, sử dụng đất làm bãi trung chuyển vật liệu xây dựng sai quy định...

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, nhiều địa phương đã ra quân dẹp loạn “cát tặc”. Tại các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Gia Lâm, Bắc Từ Liêm… một số vụ khai thác cát trái phép đã bị phát hiện, xử lý; nhiều bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép ven sông đã bị đình chỉ, hủy hợp đồng thuê đất, xử lý vi phạm hành chính… 

Sẽ là rất khó để xử lý triệt để việc khai thác cát, nhưng không phải không thể chuyển biến tình hình. Điều cần thiết nhất chính là sự quyết liệt của các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương. Cần tăng cường công tác quản lý hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng trên địa bàn gắn với xử lý trách nhiệm lãnh đạo địa phương.

Cùng với đó, tất nhiên là phải tiếp tục tăng cường kiểm tra, vây bắt và có chế tài đủ mạnh để xử lý kịp thời các hoạt động khai thác cát lòng sông trái phép, đặc biệt tại những khu vực trọng điểm, giáp ranh với các tỉnh. Ngoài phạt tiền, cần phải xử lý tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm, xử lý hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm.