Đất lâm nghiệp để không, dân phiêu bạt làm thuê

ANTĐ - Trong khi nhiều diện tích đất nông, lâm trường đang được sử dụng thiếu hiệu quả, thậm chí để hoang hóa thì rất nhiều hộ dân ở miền núi lại thiếu đất sản xuất. Thực trạng này đã được đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra tại phiên giải trình việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014, tổ chức ngày 27-8.

Đất lâm nghiệp để không, dân phiêu bạt làm thuê ảnh 1Nhiều hộ dân không có đất sản xuất, phải đi làm thuê (Ảnh minh họa)

Không giao cho dân vì… đất xấu

Nêu vấn đề UBND các xã dù không được giao trách nhiệm quản lý đất rừng nhưng trên thực tế lại đang quản lý khoảng 2,1 triệu ha, trong khi đó nhiều hộ gia đình không có đất sản xuất, đặc biệt là dân tộc thiểu số, ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: “Việc giao đất rừng như vậy theo luật đã đúng chưa, giải pháp như thế nào để khắc phục?”.

Giải trình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, lý do giao cho các xã quản lý khoảng 2,1 triệu ha (trên tổng số 14 triệu ha đất rừng) vì đây là những diện tích đất xa dân và cũng khó có điều kiện sản xuất. “Đúng là có tình trạng dân thiếu đất sản xuất, nhưng khoảng 2,1 triệu ha trên đều là đất xấu, xa dân, trong đó nhiều diện tích được quy hoạch là đất rừng phòng hộ hoặc đặc dụng, chất lượng đất kém, nếu giao cho dân sản xuất thì hiệu quả thấp, các tổ chức cũng không muốn nhận” - Bộ trưởng Cao Đức Phát lý giải. 

Không đồng ý với câu trả lời này, ĐB Chu Sơn Hà - Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội dẫn chứng: “Đi giám sát ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội), chúng tôi rất đau lòng khi biết đồng bào ở đây do không có đất sản xuất nên phải đi làm thuê, trong khi Bộ trưởng nói có 2,1 triệu ha đất nông lâm nghiệp ở xa dân, đất sỏi đá nên dân không nhận sản xuất thì thật khó chấp nhận”. Trước băn khoăn này của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, sắp tới Bộ sẽ rà soát lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua đó diện tích nào là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhưng có thể giao cho dân sản xuất thì sẽ đề nghị chuyển đổi, giao cho dân sử dụng. 

“Đi giám sát về mà… buồn mãi”

Nhiều thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, việc quản lý đất nông, lâm nghiệp lâu nay vẫn bị buông lỏng dẫn đến hàng loạt vi phạm, đặc biệt việc chuyển đổi các nông, lâm trường quốc doanh thành công ty cổ phần hiệu quả kinh tế chưa rõ nét. ĐB Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình nêu: “Lâm trường Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) mấy năm nay sống lay lắt bằng tiền dịch vụ môi trường rừng và 3 tháng nay họ không có đồng nào để trả lương cho người lao động”.

Tiếp tục dẫn chứng từ thực tiễn giám sát tại Công ty Chè Mộc Châu (tỉnh Sơn La), ĐB Nguyễn Tiến Sinh trăn trở: “Khi chuyển đổi đất nông, lâm trường hay cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp, người dân được gì? Chúng tôi đi giám sát về mà cứ buồn mãi”. ĐB Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) hỏi thẳng: “Qua giám sát cho thấy nhiều nông, lâm trường đổi mới mà vẫn thế, thậm chí thụt lùi”.

Giải trình các ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, trong giai đoạn 2004-2014, từ 185 nông, lâm trường quốc doanh đã được sắp xếp lại còn 145 công ty, giảm được 40 đầu mối (không tính các công ty nông nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng), số lượng lâm trường đã giảm từ 256 còn 148 công ty lâm nghiệp. Sau sắp xếp, đổi mới hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số công ty nông, lâm nghiệp được nâng lên, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Mặc dù vậy cũng có nhiều nông, lâm trường sau khi được chuyển đổi hoạt động rất khó khăn, nguồn thu ít, chủ yếu nhận hỗ trợ từ các dự án của Nhà nước. Về giải pháp, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: nếu hoạt động không có hiệu quả thì tùy theo vị trí xử lý, thậm chí giải thể để giao cho các hộ dân sống xung quanh quản lý.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang cũng thừa nhận, việc thu hồi đất của các nông, lâm trường giao lại cho địa phương quản lý còn chậm, dẫn đến tình trạng đất “vô chủ” không có người quản lý kéo dài, tạo kẽ hở cho lấn chiếm đất trái phép. 

Phải làm rõ trách nhiệm

Kết luận phiên giải trình, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước - Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, các địa phương, các công ty được giao khoán đất rừng để quản lý, sử dụng phải chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý không tốt làm phát sinh nhiều sai phạm cũng như sử dụng thiếu hiệu quả diện tích đất được giao. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nông, lâm trường được cổ phần hóa trực thuộc các bộ, ngành nên Bộ trưởng các bộ, ngành liên quan phải chịu trách nhiệm, đôn đốc các đơn vị này rà soát lại việc giao khoán không đúng luật pháp, sử dụng đất không hiệu quả, báo cáo trước Chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới.