Siết chặt quản lý việc giết mổ, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã:

Cơ quan quản lý vẫn chưa mạnh tay

ANTĐ - Không chỉ lén lút bán tại các điểm du lịch, ngay tại các nhà hàng trên địa bàn Hà Nội, nhiều loại động vật hoang dã cũng được phục vụ thượng khách nếu có nhu cầu. Hiện nay, bên cạnh việc kinh doanh, giết mổ, Hà Nội còn là nơi trung chuyển động vật hoang dã đi nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Cơ quan quản lý vẫn chưa mạnh tay ảnh 1Băng-rôn quảng cáo món ăn được chế biến từ các loại chim hoang dã của một nhà hàng trên phố Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội

Có cầu ắt có cung

Theo số liệu thống kê của Phòng CS phòng chống tội phạm về môi trường (CSPCTP về MT), CATP Hà Nội, trong năm 2014 đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 57 vụ, 61 đối tượng liên quan. Trong đó, chuyển cơ quan điều tra, khởi tố 13 vụ và 15 bị can, chuyển cơ quan khác 11 vụ và 19 đối tượng. Từ đầu năm 2015 đến nay, đơn vị cũng đã phát hiện 29 vụ, 34 đối tượng liên quan. Trong đó, chuyển cơ quan điều tra khởi tố 10 vụ với 10 bị can, xử phạt hành chính 6 vụ với 11 đối tượng liên quan, thu nộp ngân sách hơn 102 triệu đồng và hiện đang điều tra 13 vụ.

Điều đáng nói, trong các vụ được cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ, số lượng động vật hoang dã thuộc loại nguy cấp, quý hiếm cần được bảo tồn ngày càng gia tăng. Điển hình, ngày 13-7-2015, Đội 3, Phòng CSPCTP về MT phối hợp với CAQ Bắc Từ Liêm bắt quả tang đối tượng Lê Đức Minh (SN 1993) ở xóm 7, xã Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm đang có hành vi vận chuyển 3 cá thể culi (thuộc loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm) trên xe ô tô BKS: 21B1 - 391.50. Ngày 22-7, cơ quan CSĐT, CAQ Bắc Từ Liêm đã khởi tố bị can về tội Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm.

Tương tự, ngày 24-7-2015, Phòng CSPCTP về MT phối hợp với CAP La Khê, quận Hà Đông kiểm tra hành chính nơi trọ của Đinh Công Thành (SN 1987) ở tổ 4, phường La Khê phát hiện một thùng xốp bên trong nuôi nhốt 44 cá thể rùa (11 loài), trong đó có 8 cá thể rùa hộp trán vàng miền Bắc (thuộc danh mục động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ). Sau khi giám định và hoàn thiện hồ sơ, cơ quan chức năng đã bàn giao đối tượng  và tang vật đến Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV, CAQ Hà Đông giải quyết theo thẩm quyền.

Cần có sự quyết liệt

Đại tá Doãn Hữu Châu - Trưởng phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, CATP Hà Nội cho biết, nhằm chung tay bảo vệ môi trường, xử lý mạnh tình trạng vận chuyển, mua bán, giết mổ động vật hoang dã trái pháp luật, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp đồng bộ, vào cuộc quyết liệt. Mới đây, Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường đã có văn bản gửi Chi cục Kiểm lâm TP Hà Nội kiến nghị tăng cường quản lý, kiểm tra xử lý vi phạm liên quan đến động vật hoang dã trên địa bàn Hà Nội.

Thượng tá Phùng Quang Hiển - Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường, CATP Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, qua công tác điều tra, nắm tình hình trên địa bàn Hà Nội có khoảng 392 cơ sơ giết mổ, nuôi nhốt động vật hoang dã các loại. Trong đó riêng nuôi nhốt gấu là 218 cơ sở (có giấy phép) với 303 cá thể thuộc 18 quận, huyện như: Mê Linh, Phúc Thọ, Thanh Trì, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Vì, Sơn Tây...  Đối với động vật quý hiếm khác như: khỉ đuôi dài, khỉ mặt đỏ, gà lôi, kỳ đà, tê tê, rắn hổ mang... với gần 32.000 cá thể được nuôi nhốt trên 19 địa bàn quận, huyện và thị xã.

“Trên thực tế, thời gian gần đây các cá nhân, cơ sở kinh doanh giết mổ, mua bán và vận chuyển động vật hoang dã có giảm nhưng chưa đáng kể. Đáng nói hơn, các cơ sở này chuyển vào hoạt động lén lút khiến cho cơ quan chức năng khó quản lý, xử lý hơn. Bên cạnh đó, một số quy định của luật chưa đồng bộ cũng như việc cơ quan chủ quản trong lĩnh vực này chưa thực sự mạnh tay nên việc mua bán, giết mổ, vận chuyển động vật hoang dã trái quy định của pháp luật vẫn diễn ra” - Thượng tá Phùng Quang Hiển nói.

Đại diện Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cũng viện dẫn, cụ thể ở đây có những xung đột trong quản lý như Nghị định 160/2013/NĐ-CP về “tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” với Nghị định số 32/2006/NĐ-CP  về “quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm” và Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT/BNN&PTNT-BTP-BCA VKSNDTC-TANDC về “hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, động vật hoang dã” (tại Điều 190 BLHS) còn có sự “vênh nhau” nên khi áp dụng gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, cơ quan chủ quản được xác định trong việc bảo vệ động vật hoang dã là Cục Kiểm lâm, Bộ NN&PTNT thì vẫn chưa thực sự mạnh tay, quản lý trong lĩnh vực của mình nên khi phối hợp chưa được “ăn ý”. Từ những vấn đề trên, để kiềm chế và quản lý chặt chẽ tình trạng mua bán, vận chuyển và giết mổ động vật hoang dã, cần có sự chung tay vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành.