Cá chết bất thường ven biển miền Trung: Không đánh đổi môi trường với bất cứ thứ gì

ANTĐ - Trong khi cơ quan chức năng vẫn đang nỗ lực tìm nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung thời gian qua, ngư dân ở các tỉnh này vẫn hết sức hoang mang, lo lắng, không dám tiếp tục đi đánh cá. Chia sẻ với khó khăn của ngư dân, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ kiến nghị Chính phủ hỗ trợ ngư dân ở khu vực này để khôi phục sản xuất.

*Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm
*Đại diện Formosa: Muốn bắt cá, bắt tôm hay là ngành thép hiện đại?”




Cá chết bất thường ven biển miền Trung: Không đánh đổi môi trường với bất cứ thứ gì ảnh 1Các tỉnh ven biển miền Trung đang nỗ lực thu gom cá chết để chôn lấp

Bất an vì chưa rõ nguyên nhân

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho thấy, hiện tượng cá chết bất thường không có các biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch thông thường. Các thông số môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép. Một số ý kiến nghiêng về khả năng cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh. Hiện tại, dọc biển miền Trung không còn thấy xuất hiện cá chết như những ngày trước đó. 

Để nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất cũng như đời sống của người dân ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương thu gom, tiêu hủy cá chết; nghiêm cấm dùng cá chết làm thực phẩm hoặc nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi dưới mọi hình thức.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng giao Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 làm đầu mối tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn, phân tích mẫu vật nhằm xác định nguyên nhân, tổng hợp và báo cáo kết quả về Tổng cục Thủy sản để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Bộ TN-MT. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã yêu cầu Tổng cục Thủy sản hướng dẫn các địa phương đánh giá, thống kê thiệt hại, kiến nghị và đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp để người dân khôi phục hoạt động sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là các gia đình chính sách, ngư dân nghèo ven biển. 

Chiều 25-4, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam (nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phụ trách lĩnh vực thủy sản) cho rằng, hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung vừa qua không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn khiến ngư dân hoang mang do không biết nguyên nhân chính xác. “Về lâu dài, vấn đề này ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái biển, tức là ảnh hưởng đến nguồn lợi quốc gia. Chúng ta không được phép đánh đổi bất kỳ cái gì lấy sự phát triển bền vững của môi trường”, ông Nguyễn Việt Thắng nhìn nhận.

Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng Ban phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững (Hội nghề cá Việt Nam) cho rằng, việc cốt yếu hiện nay là các cơ quan chức năng phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân vì sao cá chết hàng loạt để ngư dân yên tâm. “Hiện ngư dân rất lo lắng, không dám tiếp tục đi đánh cá, nhiều khu nuôi trồng thủy hải sản đến kỳ thay nước cũng không dám làm vì lo sợ độc tố”, ông Nguyễn Tử Cương thông tin.

Sự việc có thể tái diễn

Ngày 25-4, lãnh đạo Bộ TN-MT cũng đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển tiếp tục thực hiện một số biện pháp khẩn cấp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu tác hại của hiện tượng cá chết hàng loạt.

Bộ TN-MT cảnh báo, trong thời gian tới, nắng nóng có khả năng làm nhiệt độ nước biển gần bờ tăng cao, làm gia tăng tốc độ phân hủy chất hữu cơ có nguồn gốc từ nước thải, rác thải, có thể gây ra hiện tượng phú dưỡng, làm bùng phát tảo độc, lan truyền dịch bệnh và các chất độc hại. “Thêm vào đó, hiện tượng gia tăng phân tầng mật độ nước biển do nhiệt độ tăng cao sẽ dẫn đến làm giảm lượng ô xy trong các lớp nước sâu là một trong những nguyên nhân có thể tiếp tục gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt”, Bộ TN-MT cảnh báo. 

Để phòng tránh các hiện tượng nêu trên, Bộ TN-MT đề nghị các tỉnh chỉ đạo tổ chức thu gom, xử lý rác thải tại bờ biển, ngăn chặn mọi hình thức đổ rác thải tại các khu vực ven biển, ven sông. Cùng với đó, cần tăng cường giám sát công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất ở vùng đất ven biển, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm…

Đại diện Formosa: “Muốn bắt cá bắt tôm hay là ngành thép hiện đại?”

Sẽ phải lựa chọn chứ không thể đòi hỏi vừa phát triển công nghiệp hiện đại lại vừa muốn bắt tôm, bắt cá, đó là cách lý giải khiến dư luận dậy sóng của đại diện công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa về hiện tượng không có sinh vật biển như tôm, cá sống xung quanh khu vực xả thải của công ty này.

Phóng viên Kênh truyền hình VTC14: Ngư dân địa phương có một thắc mắc gửi các anh, đó là tại sao trước khi các anh xây dựng hệ thống xử lý xả thải thì họ lặn họ bắt được rất nhiều sinh vật tôm cá, nhưng hiện tại khi họ lặn xuống ở khu vực xung quanh nơi các anh xả thải thì không có sinh vật nào sống. 

- Ông Chu Xuân Phàm, Trưởng văn phòng Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa tại Hà Nội: Nhiều khi được cái nọ thì mất cái kia. Đương nhiên mình cố gắng trên mọi phương pháp làm theo quy định hiện hành, đạt được tiêu chuẩn quy định của Nhà nước. Nhưng có khi phải lấy cái gì đổi lấy dự án này. Hồi xưa chỗ này 1 năm trồng được 1 vụ lúa bây giờ không trồng được vụ nào nữa đúng không? Đã xây thành nhà máy rồi, còn trồng lúa gì nữa. Nhiều khi mình không được cả hai, mình phải lựa chọn. Tôi muốn bắt cá, bắt tôm hay là tôi muốn đây là ngành thép hiện đại?  

Tuấn Anh (Ghi)