Tài và đức

ANTĐ - Helena tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh. Vì vậy, cô nộp hồ sơ ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh của một công ty xuất nhập khẩu lớn trong thành phố. Hồ sơ của Helena với bằng loại giỏi và bảng điểm chuyên môn cao cùng kết quả bài kiểm tra vòng loại rất tốt nên cô đã lọt vào vòng phỏng vấn cuối cùng cùng 3 ứng viên khác.

Buổi phỏng vấn cuối cùng, cả 4 ứng viên đều ngang sức ngang tài, người tốt nghiệp bằng giỏi, người có kinh nghiệm làm việc, người có chứng chỉ chuyên môn xuất sắc. Trong phần kiểm tra kiến thức và làm việc nhóm, Helena đã hết lòng hỗ trợ và giúp đỡ 3 ứng viên còn lại, cô vui vẻ đưa ra ý kiến, rất thân thiện tìm câu trả lời phù hợp để 3 ứng viên còn lại có kết quả kiểm tra tốt nhất khiến những người trong hội đồng tuyển dụng rất ngạc nhiên.

Đến phần phỏng vấn riêng từng người, hội đồng tuyển dụng đã hỏi Helena lý do tại sao cô lại giúp đỡ các ứng viên khác là đối thủ của mình vì nếu họ trúng tuyển thì cô sẽ là người bị loại. Helena vui vẻ trả lời: “Thưa hội đồng tuyển dụng, tôi hiểu điều đó nhưng tôi thấy rằng, những người ấy phù hợp vào vị trí mà công ty đang tuyển dụng hơn tôi, tôi còn phải học hỏi thêm rất nhiều mới có thể bằng được họ. Nếu công ty tuyển dụng họ sẽ có ích cho sự phát triển của công ty”.

Hội đồng tuyển dụng sau khi bàn bạc đã quyết định chọn Helena, vì: “Chúng tôi cần nhân tài và người có năng lực nhưng chúng tôi cần người có đức hơn, vì sự phát triển bền vững của công ty, chúng tôi tuyển dụng bạn”. Rất nhiều nhân viên trong công ty khi biết Helena - một sinh viên mới ra trường lại được chọn thay vì những ứng viên có kinh nghiệm thì đều hỏi cô có mối quan hệ quen biết với ban lãnh đạo phải không, cô chỉ trả lời bằng nụ cười.

Trong cuộc sống, bạn có thể không có tài, không có kinh nghiệm nhưng không thể không có đức vì tài năng hay kinh nghiệm đều có thể có được qua học tập và làm việc còn đức bạn phải tự nhận thức và trau dồi. Thành công thật sự và bền vững chỉ đến với những người có đức và biết đối nhân xử thế.