Nhường bước không phải là thua cuộc

ANTĐ - Thời triều đại Mãn Thanh ở Trung Quốc có một vị đại học sỹ, học cao biết rộng, rất anh minh được vua Khang Hy vô cùng yêu quý tên là Trương Anh. 

Một ngày nọ, khi đang ngồi viết sớ dâng vua về những điều mắt thấy tai nghe trong thiên hạ để giúp vua có những quyết định sáng suốt trong việc cải cách những lề thói của xã hội, ông Trương Anh nhận được một bức thư viết tay của người nhà ở quê gửi lên.

Trương Anh vội vã mở ra xem, rồi ông phá lên cười. Hóa ra bức thư viết rằng, nhà của Trương Anh ở quê đang chuẩn bị xây cất lại bức tường rào nhưng vì tranh chấp với nhà hàng xóm có 3 thước đất mà 2 bên không ai chịu ai, thành ra việc xây dựng bị chậm trễ mà ngày nào 2 nhà cũng đấu khẩu rất mệt mỏi. Người nhà muốn Trương Anh về quê một chuyến, sử dụng quyền lực của mình để giải quyết chuyện này .

Trương Anh vừa cười vừa lấy giấy ra viết thư cho người nhà, ông chỉ viết 2 câu thơ: “Thiên lý tu thư chích vi tường, nhượng tha tam xích hựu hà phương? Vạn lý trường thành kim do tại, bất kiến đương niên Tần Thủy Hoàng”. Dịch nghĩa là: “Từ ngàn dặm xa gửi thư chỉ vì một bức tường, có 3 thước đất, nhường họ có sao đâu? Vạn lý trường thành vẫn còn đó mà Tần Thủy Hoàng nay đâu còn?”.

Người nhà của Trương Anh nhận được bức thư, hiểu ý ông nhắn nhủ nên đã không cãi nhau với nhà hàng xóm nữa mà chủ động xây bức tường rào lùi vào 3 thước. Chuyện không ngờ đã xảy ra là nhà hàng xóm thấy vậy cũng nhường ra 3 thước đất rồi xây tường lùi vào. Cuối cùng con ngõ giữa 2 nhà giờ được thêm 6  thước, rộng rãi, thoáng mát, cả xóm đều vui mừng cảm ơn. Người nhà của Trương Anh lúc bấy giờ mới thực sự khâm phục ông.

Người xưa có câu: Nhường đường cho người  chính là làm cho con đường của mình thêm rộng rãi, bởi cuộc sống không phải là chiến trường mà chúng ta cần phải ganh đua nhau từng chút một. Nhường nhịn nhau không phải là thua cuộc mà chính là cho chính chúng ta cơ hội, cơ hội sống nhẹ nhàng, thanh thản và ấm áp.