Lo bị “nhồi nhét”

ANTĐ - Chuẩn bị về Thái Nguyên ăn Tết, vấn đề anh Nguyễn Thành Trung (sinh viên Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp Hà Nội) lo lắng nhất về phương tiện.

- Anh dự định về quê ăn Tết bằng phương tiện gì?

- Tôi thường vẫn đi xe ô tô khách. Dù chỉ mất 2-3 tiếng đồng hồ ngồi trên xe nhưng dịp Tết đông khách đi lại, rất mệt mỏi, nhiều khi không có cả chỗ ngồi, phải đứng chen lấn. Lái xe thường phóng rất nhanh để tranh khách, rồi dừng bất ngờ đón khách, không đảm bảo an toàn. Về đến nhà rồi mới thở phào nhẹ nhõm.

- Sao anh không lựa chọn xe chất lượng cao để đỡ phải chen lấn?

- Cũng có xe bắt ít khách hơn, nhưng nói chung dịp Tết xe nào cũng đông. Nhà xe tranh thủ kiếm ăn dịp này. Tôi đã từng đi một vài tỉnh khác, nói chung, xe khách tuyến nào cũng thường chở quá tải, nhiều hơn lượng chỗ ngồi quy định, chứa hành lý trong khoang khách… Nếu khách có thắc mắc, chủ nhà xe tử tế sẽ giải thích “nếu cho khách ngồi đúng số ghế thì nhà xe lỗ”; còn nhà xe nào làm ăn chộp giật thì đuổi khách xuống luôn.

- Theo anh, có cách nào để ngăn chặn tình trạng xe chở quá tải, phá hỏng cầu đường  và làm mất an toàn giao thông không?

- Rất khó trả lời. Cơ quan quản lý cũng đưa ra nhiều biện pháp rồi nhưng hiệu quả chưa cao. Nhà xe có lý lẽ của nhà xe, thậm chí họ còn manh động chống lại sự tuần tra, kiểm soát của các lực lượng. Nếu ý thức của chủ xe và hành khách, người tham gia giao thông nâng lên thì tình trạng này sẽ giảm. Nhà xe nâng cao chất lượng dịch vụ đồng nghĩa với việc khách hàng có lẽ phải trả thêm tiền. Khi hai bên chấp nhận điều đó, chắc chắn sẽ giải quyết một phần tình trạng xe khách quá tải.