Đặc sắc phiên chợ quê trên đất Thạch Thất ngày cuối năm

ANTĐ -Những phiên chợ quê cuối năm ở Thạch Thất được bảo tồn và phát triển cho tới ngày nay, như một biểu tượng tinh thần, nét văn hóa, là điệu hồn riêng của Tết dân tộc lắng đọng từ ngàn đời nay.

Truyền thống lịch sử lâu đời với những giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc được bảo tồn và tiếp nối. Những di tích, công trình văn hóa, hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội mang đặc sắc riêng của Thạch Thất là một điển hình ở Thủ đô nghìn năm văn hiến... 

Phiên chợ Tết cuối năm của người dân Thạch Thất

Hoa được nhiều người mua trong dịp Tết

Từ những nải chuối, quả bưởi...

...đến những đôi đũa, tăm tre được người dân tỉ mỉ bày bán

Những phiên chợ quê cuối năm như mang đến cho người tham gia những cảm xúc đặc trưng và hồn nhiên của Tết quê, tết Việt. Phiên chợ Tết ấy là gương mặt tinh thần, là nét văn hóa, là điệu hồn riêng của Tết dân tộc lắng đọng từ ngàn đời nay.

Hòa trong sắc màu muôn vẻ của thiên nhiên là sắc màu trang phục của con người và sản vật đa sắc trong chợ Tết. Đó là màu của sắc hoa, màu xanh của quả, màu vàng hương của chú hoa man (người làm hàng mã), màu của những bộ quần áo mới trưng bày trên các gian hàng bán lẻ, màu trắng như tuyết của thúng gạo nếp… Những sắc màu của cuộc sống đều hiển hiện thật sắc nét. Đó là sắc màu văn hóa sáng ngời lên mỗi gương mặt, mỗi dáng hình, mỗi tà áo hay một sản vật bình dị ở chợ quê ngày Tết. Sắc màu ấy cũng là vẻ đẹp của hồn người, của nét văn hóa tinh khôi và hồn nhiên nhất.

Nhiều gia đình cho con em đi chợ để mua đồ mới để đón Tết.

Chợ quê còn có nhiều gian hàng phục vụ ăn uống.

Từ sáng sớm người cả huyện đã đổ về đông nghịt, chen chúc nhau. Phiên chợ quê ngày Tết,  mà nhất là vào 27, 28 âm lịch - cái ngày vừa đủ thời gian để người ta đi chợ sắm sanh để về kịp chuẩn bị cho Tết cho nên thượng vàng hạ cám đều có. Ở Thạch Thất có ba khu chợ chính được họp theo phiên mang đậm chất của người dân nơi đây.  Đó là chợ Nủa, chợ Doi và chợ Cầu. Cứ vào mỗi độ Tết đến xuân sang người dân huyện Thạch Thất lại nhớ câu: “Hăm bảy chợ Nủa, hăm tám chợ Doi, hăm chín chợ Cầu”.

Nhìn nét mặt mọi người phiên chợ Tết, có thể thấy rõ, người dân quê ai cũng muốn một năm cũ sẽ mau qua đi, kèm theo những điều không tốt, mong cho một năm mới đem đến nhiều điều tốt lành. Đã nhiều năm qua rồi, phiên chợ Tết nào cũng cảm nhận thấy điều ấy, mong cho đến phiên chợ mà ai cũng nhận ra được năm nay đã có nhiều điều tốt lành, sang năm sẽ có thêm nhiều điều tốt lành hơn nữa.

Cũng có nhiều con cháu đưa bố mẹ, ông bà đi chợ sắm quần áo mới.

Đặc sắc phiên chợ quê trên đất Thạch Thất ngày cuối năm ảnh 12Phiên chợ vào cuối chiều 28 Tết

“Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm

Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh.

Trên con đường đi các làng hẻo lánh.

Những người quê lũ lượt trở ra về”. 

(Đoàn Văn Cừ)

Nhịp sống hiện đại đã lấy đi của con người ta nhiều thứ, trong đó có cả sự bình tâm để chiêm nghiệm, ngưỡng vọng về những giá trị văn hóa xa xưa, mà đối với thế hệ trẻ như những điều xa xỉ. Tết Việt thiêng liêng, mang theo tình cảm ấm áp và trang trọng. 

Đây là phiên chợ Doi tại Thạch Thất, TP Hà Nội đã có truyền thống họp chợ vào ngày 28 Tết từ hàng trăm năm nay.