Tổng giám đốc và kế toán hầu tòa vì tiêu tiền vô tội vạ

ANTĐ - Tiền thân là một doanh nghiệp về nông nghiệp, song Tuẫn lại muốn có sự “đột phá” bằng việc kinh doanh nhà ở. Táo tợn hơn, nắm giữ hàng chục tỷ đồng của Nhà nước, đối tượng này còn làm việc theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”.

“Lóa mắt” vì dự án gần 280 tỷ đồng

Sau hơn 7 tháng trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 24-5, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Nguyễn Văn Tuẫn (SN 1958, trú ở phường Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) – nguyên Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội (gọi tắt là Công ty HAIC) về tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”, theo Điều 282-BLHS.

Đồng phạm và cùng bị truy tố về tội danh này còn có Bùi Mạnh Hà (SN 1963, ở phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) – nguyên Kế toán trưởng của Công ty HAIC. Ngoài ra, dính líu đến hành vi phạm tội của Tuẫn cùng đồng phạm còn có bà Châu Thị Thu Nga – nguyên Đại biểu Quốc Hội. Tuy nhiên, do bà Nga đang bị cơ quan tố tụng xem xét ở một hành vi tội phạm khác nên chỉ tham dự phiên tòa với tư cách người liên quan.

Bị cáo Nguyễn Văn Tuẫn (bên phải) và bà Châu Thị Thu Nga ngồi phía sau

Tài liệu truy tố các bị cáo thể hiện, Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội được thành lập vào năm 2010, trên cơ sở chuyển đổi từ Công ty xuất nhập khẩu và xây dựng Nông - Lâm nghiệp (thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội) với 100% vốn Nhà nước.

Ở thời điểm chuyển đổi, vốn điều lệ của HAIC chỉ là hơn 7,1 tỷ đồng. Sau đó, năm 2012 được điều chỉnh tăng lên thành 15 tỷ đồng. Và cũng kể từ thời điểm đó, Nguyễn Văn Tuẫn tiếp tục được giao làm người đứng đầu doanh nghiệp với cương vị Chủ tịch HĐTV, kiêm Tổng giám đốc HAIC.

Khi ấy, Công ty HAIC đang được giao và thuê tổng cộng gần 29.000m2 đất, thuộc thị trấn Cầu Diễn (nay là phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) để phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy hoạch, phần lớn diện tích này sẽ được dùng để xây nhà tái định cư phục vụ Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội và nhà tái định cư kết hợp với dịch vụ thương mại.

Nắm được quy hoạch nên ngay từ khi chưa chuyển đổi doanh nghiệp, ngày 14-1-2008, Công ty HAIC và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng nhà đất (hiện đổi thành Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất - HOUSING GROUP), do bà Châu Thị Thu Nga làm đại diện đã cùng nhau ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư.

Cụ thể, Tuẫn và bà Nga sẽ cùng nhau thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khu chung cư và biệt thự nhà vườn tại khu đất nêu trên (gọi tắt là Dự án B5) với tổng diện tích hơn 22.300m2 với tổng mức đầu tư khoảng 279 tỷ đồng. Từ ý đồ đó, Công ty HAIC lập tờ trình trình và được cho phép liên kết với HOUSING GROUP làm chủ đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng 20.000m2 đất sang xây dựng chung cư và biệt thự nhà vườn. 

Dùng tiền huy động đầu tư tóe tung

Thực hiện thỏa thuận trên, từ tháng 5-2010, Nguyễn Văn Tuẫn đã chủ trì cuộc họp với các bộ phận chủ chốt của doanh nghiệp để bàn việc huy động vốn triển khai Dự án B5. Kết thúc cuộc họp này, HAIC ra thông báo huy động vốn của các cá nhân trong và ngoài doanh nghiệp để làm vốn đối ứng kèm theo lời hứa, người góp vốn ngoài hưởng lãi còn được ưu tiên mua căn hộ. Trên cơ sở ấy, Tuẫn đã chỉ đạo Bùi Mạnh Hà cùng hàng loạt cán bộ dưới quyền thu tiền góp vốn của các cá nhân, tổ chức. 

Theo đó, từ tháng 8-2008 đến tháng 3-2012, Công ty HAIC đã huy động được số tiền lên đến 263,3 tỷ đồng của hàng trăm cá nhân, tổ chức. Trong đó, cơ quan tố tụng xác định, năm 2010, HAIC đã huy động 178,4 tỷ đồng, tương ứng với vượt 24,98 lần vốn điều lệ và bằng 276% tài sản của doanh nghiệp. Tương tự, năm 2011, HAIC cũng đã huy động vốn vượt 6,5 lần so với vốn điều lệ.

Thu được số tiền quá lớn từ các nhà đầu tư, song Dự án B5 vẫn không thể triển khai được vì chưa hoàn thiện thủ tục. Sẵn tiền trong tay, Tuẫn không ngần ngại “vung tiền qua cửa sổ”. Đơn cử như cựu Tổng giám đốc HAIC dùng tới hơn 4,6 tỷ đồng để chi trả cho việc quản lý doanh nghiệp, trả lương nhân viên, hỗ trợ mất việc làm hoặc nghỉ hưu. 

Táo tợn hơn, khi nhà máy gạch ở Hải Dương gặp khó khăn, Tuẫn quyết định điều ngay 30,5 tỷ đồng cho chi nhánh.  Tuẫn cũng trích tới 33,6 tỷ đồng cho việc mua sắm tài sản cố định, trả tiền thuê đất, trả lãi vay ngân hàng và cho vay lại.

Ngoài ra, cựu Tổng giám đốc HAIC còn xuất tiền vào hàng chục danh mục mà không hề liên quan đến dự án. Trong đó, nghiêm trọng nhất là dùng 55 tỷ đồng để góp vốn vào một dự án nhà ở khác. Cũng theo tài liệu truy tố, Tuẫn đã chỉ đạo cấp dưới sử dụng 57,2 tỷ đồng huy động đầu tư ra ngoài công ty, vượt 7,7 lần vốn điều lệ. Trong số hàng trăm tổ chức, cá nhân đầu tư Dự án B5, cơ quan truy tố xác định 84 trường hợp phải tham gia phiên tòa để bảo đảm quyền lợi.  

Trong ngày đầu xét xử và trước sự đối chứng của bà Châu Thị Thu Nga, Nguyễn Văn Tuẫn cùng thuộc cấp đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội như nội dung cáo trạng xác định. Ngày mai (25-5), phiên xử tiếp diễn với phần thẩm vấn nhằm làm rõ từng hành vi cụ thể của các bị cáo.