Tạo dựng và phong tỏa chứng khoán khống chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng

ANTĐ - Cần tiền trả nợ và ăn tiêu, một nhóm người ở công ty chứng khoán đã lợi dụng chức năng lưu ký chứng khoán của doanh nghiệp mình để làm bậy. Qua đó, các đối tượng đã chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng của hàng loạt đối tác.

Ngày 18-7, TAND TP Hà Nội đã đưa các đối tượng nguyên là lãnh đạo Công ty CP Chứng khoán SME (gọi tắt là Công ty Chứng khoán SMES) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Các đối tượng Phan Huy Chí (SN 1975, trú phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa) – nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SMES; Nguyễn Thanh Nam (SN 1975, ở phường Khâm Thiên, quận Đống Đa) – nguyên Giám đốc Công ty Chứng khoán SMES – Chi nhánh TP HCM và 3 bị cáo khác bị xét xử cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo tài liệu truy tố, từ tháng 4-2010 đến tháng 3-2011, do cần huy động tiền để trả các khoản nợ đến hạn phải thanh toán và ăn tiêu cá nhân nên các bị cáo trong vụ án đã lợi dụng chức năng lưu ký chứng khoán của Công ty Chứng khoán SMES để chiếm đoạt tiền của hàng loạt doanh nghiệp.

Cụ thể, các bị cáo đã tạo dựng ra một số nhà đầu tư chứng khoán, rồi “tiến cử” họ ký kết các hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết, hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán với các công ty tài chính và ngân hàng. Sau đó, lợi dụng chức năng của Công ty Chứng khoán SMES, nhóm lãnh đạo công ty này đứng ra ký kết các hợp đồng 3 bên nhằm ràng buộc trách nhiệm giữa nhà đầu tư chứng khoán với công ty tài chính và ngân hàng.

Tuy nhiên trên thực tế, các nhà đầu tư chứng khoán do nhóm này “tiến cử” liên kết làm ăn với các công ty tài chính chỉ là “ảo”. Trong khi ấy, quá trình các bên ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán, các cựu lãnh đạo của Công ty Chứng khoán SMES không ngần ngại xác định và phong tỏa khống số dư chứng khoán có tính thanh khoản cao của những nhà đầu tư “ảo”.

Tin tưởng vào Công ty Chứng khoán SMES, Tổng công ty CP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI), Công ty CP Đầu tư tài chính Công đoàn dầu khí Việt Nam (PVFI) và một ngân hàng ở Hà Nội đã lần lượt giải ngân cho các nhà đầu tư chứng khoán “ảo” với tổng số tiền hơn 299,5 tỷ đồng.

Sau khi được các công ty tài chính và ngân hàng giải ngân hàng trăm tỷ đồng nêu trên, các nhà đầu tư chứng khoán “ảo” đã nhanh chóng rút ra để đưa cho các cựu lãnh đạo của Công ty Chứng khoán SMES chia nhau. Cáo trạng truy tố các bị cáo xác định, PVI đã bị chiếm đoạt gần 108 tỷ đồng; PVFI bị chiếm đoạt hơn 111,7 tỷ đồng và một ngân hàng liên quan bị chiếm đoạt 80 tỷ đồng.

Phiên xử  sơ thẩm ngày 18-7 đã bất ngờ bị hoãn do vị đại diện VKSND TP Hà Nội đột ngột đổ bệnh. Dự kiến, vụ án sẽ được đưa ra xét xử trở lại vào trung tuần tháng 8 tới đây.