Mắc bẫy “trai lạ” nước ngoài

ANTĐ - Hiện nay có không ít cô gái Việt đang âm thầm tự lên kế hoạch “săn” bằng được cho mình một người bạn trai thậm chí là một ông chồng Tây qua mạng xã hội. Thành quả chưa thấy đâu nhưng việc tiếp cận, làm quen với một người chưa từng gặp mặt qua không gian ảo đã khiến cho không ít người trờ thành nạn nhân của những “trai lạ” người nước ngoài.

Mắc bẫy “trai lạ” nước ngoài ảnh 1
Nộp tiền phạt để... nhận quà

Chị Khánh Linh nhân viên một tổ chức quốc tế cho biết, em gái chị từng suýt là nạn nhân của một vụ lừa đảo của “trai lạ” nước ngoài. Vụ việc bắt đầu từ khi em gái chị Linh gọi điện thoại cho chị để mượn tiền để trả phí phạt cho một gói cước hàng được người đàn ông mới quen trên mạng gửi cho. Thấy có gì đó bất bình thường, chị Linh gặng hỏi thì em cho tôi xem những email mà em tôi và người đàn ông người nước ngoài liên hệ với nhau cách đấy 10 ngày.

Nội dung của các mail cũng bình thường khi người đàn ông với tên Kevin Lewis đến từ Manchester làm quen. Người này và em gái chị Linh cũng trao đổi hình ảnh và trao đổi suy nghĩ, cảm xúc... Cách thời điểm đó vài hôm, người đàn ông này nói sẽ gửi cho em chị Linh món quà để cho thấy thành ý của anh ta. Và rồi em gái chị Linh nhận được một email từ Air France Diplomatic Cargo Service với nội dung là có một kiện hàng được gửi từ ông Kevin Lewis.

Trong mail anh ta gửi những hình ảnh về kiện hàng và nội dung là có gởi cho em tôi một bộ trang sức, một laptop và tiền mặt dán bên trong laptop. Khi nhận được mail của hãng vận chuyển trên nói là vì có tiền mặt trong box nên phải phạt 2100 USD và đề nghị em gái chị Linh gửi vào tài khoản cá nhân của một người có tài khoản tại một ngân hàng của Việt Nam. Những người này gọi cho em gái chị Linh liên tục từ sáng cho đến chiều giục em gái chị Linh thanh toán chứ không thì mất kiện hàng.

Điều đáng nói là ngay cả người đàn ông tên Kevin đó cũng gọi cho em tôi và nói là bên này cứ thanh toán đi vì anh ta gửi tiền mặt nhiều hơn số tiền phạt đó làm cho em tôi càng tin đó là sự thật. Sau khi biết sự việc chị Linh đi cùng em gái đến ngân hàng định gởi số tiền trên. Chị Linh có nhờ nhân viên kiểm tra tên và tài khoản này thì biết đó là tài khoản sử dụng ATM. Chị Linh nghi ngờ và cùng em gái về nhà kiểm tra trên mạng, lúc này hai người mới biết số điện thoại gửi cho em chị Linh là của một băng đảng lừa đảo tại Malaysia.

Chúng vẫn liên tục gọi cho em tôi và dọa không giúp giữ lại kiện hàng nữa. Lần cuối cùng khi tôi bắt máy, để vạch mặt chúng, tôi nói đưa cho tôi số điện thoại của hãng tại Việt Nam và tôi chỉ gửi tiền vào cho chính hãng nếu kiện hàng có lỗi. Đến lúc này bọn chúng vội tắt máy. 

Tương tự như trường hợp của em chị Linh, chị Thủy nhân viên của một công ty xuất nhập khẩu kể: “Tôi đang online Facebook bỗng nhiên có một người tự xưng là kỹ sư của tập đoàn dầu khí gì đó ở London nhảy vào làm quen.

Qua vài lần trò chuyện hắn nói gửi quà cho mình. Hắn bảo gửi cho mình cái laptop và kẹp tiền ở trong đó. Hai ngày sau, tôi liên tiếp nhận được cuộc gọi từ số lạ xưng là Hải quan Malaysia. Anh ta nói rằng phát hiện tiền ở trong laptop, như thế là bất hợp pháp nên nói tôi cần đưa tiền lót tay để lô hàng được chuyển về nhà. Tôi cảm thấy nghi ngờ liền nên nói: “Tôi không có tiền, các anh muốn xử lô hàng đó ra sao thì xử”.

Sau đó tên tự xưng là kỹ sư kia gọi cho tôi, tiếp tục mồi chài thêm rằng nếu không nộp tiền cho Hải quan thì hắn ta sẽ gặp rắc rối lớn. Nghi đây là hình thức lừa đảo, tôi tìm thông tin có nội dung tương tự thì thấy nhan nhản trên mạng kể về hình thức lừa đảo này. Vì thế, tôi nhất định không chuyển tiền. Vậy là từ đó đến nay hắn bặt tăm luôn. 

Mắc bẫy “trai lạ” nước ngoài ảnh 2

Liên tục sập bẫy

Theo một cán bộ của Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội, việc bị mắc bẫy “trai lạ” nước ngoài là một hình thức lừa đảo trên mạng đã từng xảy ra cách đây vài năm và đã bị đơn vị triệt phá. Đó là trường hợp vụ án Nguyễn Minh Thi, sinh 1987, ở phường An Bình, TP Biên Hòa, bị CATP Hà Nội bắt vào cuối tháng 3-2013. Từng đi du học ở Malaysia, Thi móc nối với một số đối tượng người nước ngoài lên “kịch bản” lợi dụng facebook để lừa đảo.

Nhóm này lấy ảnh, tên giả và tự xưng là người mang quốc tịch Anh để chat làm quen với phụ nữ Việt qua các trang mạng xã hội. Sau một thời gian làm quen, các đối tượng thông báo gửi quà cho những phụ nữ này gồm đồ trang sức, điện thoại hoặc hàng hóa khác có giá trị qua một trang web giả về dịch vụ chuyển phát nhanh. Gần đến ngày nhận hàng, trong “vai” nhân viên hải quan, Thi điện cho bị hại thông báo đang giữ một kiện hàng từ Anh gửi về, muốn nhận hàng thì phải đóng một khoản tiền từ 500 USD - 15.000 USD qua tài khoản mà anh ta cung cấp.

Thế nhưng, khi bị hại nộp tiền thì hàng chẳng thấy đâu. Lừa được tiền, theo thỏa thuận, Thi giữ lại 1/3, còn 2/3 chuyển cho đồng phạm ở nước ngoài. Từ tháng 8-2012 đến khi bị bắt giữ, chỉ trong vòng 5 tháng, Thi và đồng bọn đã kịp lừa hàng chục phụ nữ nhẹ dạ, cả tin, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Mặc dù phương thức thủ đoạn đã được cảnh báo nhiều lần, tuy nhiên thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội vẫn tiếp nhận nhiều đơn trình báo, tố giác của các bị hại.

Mới nhất là vụ chị Nguyễn Thị Thu (38 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị một đối tượng tự xưng là Larry Smith lừa đảo chiếm đoạt 23 triệu đồng. Theo thông tin do bị hại cung cấp, quá trình làm quen trên facebook, Smith giới thiệu sinh ra tại New Mexico (Mỹ), hiện đang sống ở Scotland. Sau khi trở nên thân thiết, ngày 10-4, Smith nói rằng muốn tặng chị Thu một món quà. Một ngày sau, vẫn qua mạng xã hội, Smith gửi hình ảnh chụp hóa đơn và thùng quà sẽ tặng chị gồm đồng hồ đeo tay, dây chuyền, nhẫn kim cương, nước hoa, máy ảnh, máy tính bảng, máy nghe nhạc và 250.000 USD.

Ngày 14-4, chị Thu nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) thông báo rằng gói hàng gửi từ Scotland đang bị tạm giữ do chưa hoàn tất một số thủ tục. Người này đề nghị chị Thu nộp 23 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng để trả phí vận chuyển quà. Khi chị Thu làm theo hướng dẫn thì nhân viên sân bay tiếp tục thông báo thùng quà gửi đến chị Thu chứa một lượng lớn ngoại tệ, phải nộp thêm 84 triệu đồng tiền thuế.

Nghi ngờ bị kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị hại đã đến cơ quan công an trình báo. Vẫn với thủ đoạn tương tự, một đối tượng nước ngoài tự xưng là David Jackson còn lừa đảo chiếm đoạt được 300 triệu đồng của một phụ nữ đơn thân tên Dung (quê ở Đắk Lắk). Quá trình làm quen, biết bị hại chưa lập gia đình, Jackson nói sẽ sớm sang Việt Nam cưới chị Dung rồi đưa về Anh sinh sống.

Một hôm, Jackson nói rằng đã mua vé máy bay sang Việt Nam, chuyến bay mang mã số SQ 176 của một hãng hàng không Singapore, hạ cánh tại sân bay Nội Bài lúc 11h40. 11h45 cùng ngày, một người phụ nữ tự xưng nhân viên nhập cảnh sân bay Nội Bài gọi cho chị Dung thông báo đang tạm giữ David Jackson với lý do mang một lượng lớn ngoại tệ vào Việt Nam mà không khai báo.

Để giải quyết vụ việc, nhân viên nhập cảnh sân bay đề nghị chị Dung chuyển 15.500 USD vào một tài khoản ngân hàng. Khi bị hại làm theo hướng dẫn, đối tượng này tiếp tục yêu cầu chị Dung chuyển thêm 45.000 USD. Nghi ngờ sự việc khuất tất, bị hại đến sân bay xác minh thì mới biết có không ít người đã mất tài sản vì trò lừa đảo tinh vi này. 

Tỉnh táo để tránh bị lừa

Theo trinh sát của Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội, đối tượng gây án thường chủ động sử dụng mạng xã hội để làm quen với các phụ nữ có tuổi sống đơn thân. Sau nhiều tháng trò chuyện và chiếm được cảm tình của bị hại, đối tượng thông báo sẽ gửi tặng các đồ vật có giá trị như tiền, dây chuyền, ĐTDĐ thông qua chuyển phát nhanh theo đường hàng không.

Để “con mồi” sập bẫy, các đối tượng đã nghiên cứu kỹ lưỡng lịch trình các chuyến bay từ nước ngoài vào Việt Nam cũng như các thủ tục liên quan đến thuế, hải quan tại cửa khẩu. Đồng bọn của đối tượng trực tiếp làm quen với bị hại sẽ giả danh nhân viên hải quan, cơ quan thuế, nhân viên sân bay hoặc công ty chuyển phát nhanh gọi điện thông báo lô hàng chuyển phát đang bị tạm giữ. Nại ra nhiều lý do khác nhau, đối tượng yêu cầu bị hại phải nộp các khoản tiền lên đến hàng trăm triệu đồng vào tài khoản do chúng cung cấp để nhận lại lô hàng.

Những chiêu trò lừa đảo qua mạng thường đánh vào sự nhẹ dạ và lòng tham của các bạn trẻ. Hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Những bức thư không chỉ dùng những lời lẽ ngon ngọt mà thường kèm theo những câu chuyện “bi thương” về cuộc đời để lợi dụng lòng trắc ẩn của “con mồi”. Không những thế, ngay từ bức thư đầu tiên , chúng còn gửi ảnh và cả số điện thoại cá nhân để tạo niềm tin.

Chỉ cần thiếu tỉnh táo, say sưa thiết lập mối quan hệ với “bạn bè quốc tế” kiểu này, bạn trẻ chúng ta coi như đã đặt một chân vào bẫy. Để tránh bị lừa bởi trò kết bạn và tặng quà qua mạng, các chuyên gia về công nghệ thông tin lưu ý, những người kết bạn cần kiểm tra kỹ thông tin của người bạn mới trên Facebook, bao gồm: Thông tin cá nhân, hình ảnh đại diện, album ảnh, số lượt “like” và “comment” của bạn bè trong Friend List của người đó.

Facebook cá nhân thường không có ảnh đại diện hoặc ảnh lấy trên mạng, ảnh nhận được rất ít bình luận. Ngoài ra cần phải chú đến những dấu hiệu đặt biệt đó là, những kẻ lừa đảo thường không bao giờ cho bạn kết nối webcam mà chỉ gửi ảnh, ảnh có dung lượng rất thấp, không thể phóng to ra. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy cách nói chuyện của những người này rất mâu thuẫn. Họ thường không nhớ mình đã nói gì. Chỉ cần lật lại một số vấn đề nhỏ, bạn sẽ dễ dàng phát hiện ra sự giả dối.

Những kẻ có ý đồ lừa đảo thường nhắn tin làm quen qua Facebook nhưng lại yêu cầu bạn liên hệ qua e-mail. Để cảnh giác trước những đối tượng này hãy copy thông tin về người bạn đó (như số điện thoại, e-mail, một đoạn thư người ấy gửi cho bạn) rồi dán vào thẻ tìm kiếm Google. Rất nhiều thông tin lừa đảo đã được cộng đồng mạng phát hiện và cảnh báo trên các diễn đàn. Khi người lạ muốn tặng quà hoặc chuyển tiền mặt cho bạn và yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, đề cập đến việc “đóng khoản phí nhỏ”, dù với mục đích gì , hãy từ chối ngay không cần suy nghĩ.