- Túng tiền, bán luôn ôtô đi thuê
- Lắt léo những chiếc ô tô bị thế chấp, mua bán, trà trộn giấy tờ giả
- Một phụ nữ lừa bán đất "ảo" cho đại gia, chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng
Bị cáo Hoàng Ngọc Sáu (bên trái) cùng đồng phạm tại phiên tòa
Ngày 9-9, TAND TP Hà Nội tiến hành phiên xét xử đối với Hoàng Ngọc Sáu (SN 1966, trú tại khu tập thể Bách Khoa, phường Bách Khoa, Hai Bà Trưng, Hà Nội) - cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Địa ốc Dầu khí về các tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điểm a, khoản 4, Điều 140 và tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3, Điều 165-BLHS. Liên quan đến chiêu trò “rút ruột” tài sản công của Sáu, Hà Văn Sơn (SN 1984, ở xã Hợp Thành, Triệu Sơn, Thanh Hóa) - vốn là Tổng Giám đốc Công ty CP Bất động sản VN cũng bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Tài liệu truy tố các bị cáo cho thấy, Công ty CP Địa ốc Dầu khí (viết tắt là PVL) tiền thân là Công ty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí (PVPower Land) có vốn điều lệ là 500 tỷ đồng. Để cho ra đời doanh nghiệp này, Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (viết tắt là PVC, thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) đã phải góp 140 tỷ đồng.
Ngày 9-4-2009, Hoàng Ngọc Sáu được PVC tiếp nhận về làm việc và đến tháng 6-2010 thì đối tượng được giao là người đại diện quản lý 60 tỷ đồng của doanh nghiệp tại PVPower Land (chiếm 12% vốn). Sau một thời gian, PVC thoái một phần vốn góp, do đó Hoàng Ngọc Sáu chỉ còn là người đại diện 40 tỷ đồng tại PVPower Land và từ tháng 8-2011 đổi tên thành PVL.
Trước khi được tiếp nhận về PVC, tháng 6-2008, Sáu là Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Sông Hồng và khi ấy đối tượng đã thành lập ra Công ty CP Thương mại và phát triển Đô thị Sông Hồng (gọi tắt là Công ty Đô thị Sông Hồng) và giao cho Hà Văn Sơn giữ chức Tổng Giám đốc.
Tháng 7-2008, mặc dù về danh nghĩa Sáu đã rút khỏi danh sách cổ đông ở Công ty Đô thị Sông Hồng, song thực chất đối tượng vẫn nắm quyền kiểm soát gần như toàn bộ doanh nghiệp với việc chuyển hết cồ phần cho người thân đứng tên hộ. Đến tháng 7-2010, Công ty Đô thị Sông Hồng đổi tên thành Công ty CP Bất động sản VN (tên giao dịch quốc tế là VNLand).
Sau khi củng cố vị trí ở các doanh nghiệp nêu trên, tháng 9-2010, Sáu chỉ đạo Sơn đại diện VNLand ký hợp đồng với Công ty CP Bất động sản xây lắp Dầu khí Việt Nam về dịch vụ quản lý, khai thác, vận hành một tòa nhà trung tâm thương mại văn phòng và chung cư ở phường An Phú, quận 2, TP.HCM (gọi tắt là dự án An Phú). Lợi dụng Điều 2 và Điều 7 trong bản hợp đồng này (VNLand được phép cho thuê và được quyền cho thuê lại), Sáu tiếp tục chỉ đạo Sơn đại diện VNLand ký hợp đồng cho PVL thuê lại mặt bằng hơn 1000m2 tại dự án An Phú, thời hạn 5 năm với giá hơn 11 tỷ đồng.
Hợp đồng vừa ký khỏi tay, Sáu lấy tư cách người đứng đầu PVL tức tốc ký ủy nhiệm chi để trả đầy đủ số tiền thuê mặt bằng cho VNLand. Sau cùng, Sáu chỉ đạo Sơn và bộ phận kế toán công ty “sân sau” của đối tượng rút 10 tỷ đồng từ ngân hàng, rồi mang đến giao tận tay Sáu. Để hợp thức hóa việc thu chi tài chính ở doanh nghiệp do đối tượng lập ra, Sáu còn chỉ đạo bộ phận tài chính, kế hoạch xuất khống 3 phiếu chi.
Tuy nhiên, kết quả điều tra đã làm rõ, tại thời điểm các doanh nghiệp ký hợp đồng thuê hơn 1.000m2 tại dự án An Phú thực chất dự án không còn được phép làm như vậy. Bằng thủ đoạn lắt léo đó, Sáu đã chiếm đoạt 10 tỷ đồng của PVL, trong đó có một phần tiền của Nhà nước.
Ngoài việc chiếm đoạt 10 tỷ đồng bất chính nêu trên, trong quá trình điều hành PVL, Hoàng Ngọc Sáu còn làm thiệt hại hơn hơn 900 triệu đồng của doanh nghiệp cũng liên quan đến dự án An Phú. Theo đó, mặc dù PVL đã thuê hơn 1.000m2 đất để làm sàn giao dịch bất động sản, nhưng do việc thuê kia chỉ là giả tạo nên không thực hiện được. Vậy nhưng Sáu vẫn ký hợp đồng và chuyển cho đối tác hơn 900 triệu đồng để một doanh nghiệp nước ngoài thiết kế nội thất sàn giao dịch về mặt ý tưởng.
Trong khi ấy, Sáu lại yêu cầu công ty nước ngoài phải ký hợp đồng thiết kế chi tiết và thi công với chính công ty là “sân sau” của đối tượng, một khi dự án được triển khai. Cũng với ý đồ lắt léo, lòng vòng để sau cùng là trục lợi cá nhân, trong một dự án trung tâm thương mại và nhà ở khác cũng ở tại TP.HCM, cựu Tổng Giám đốc PVL còn đệ trình lên HĐQT phương án điều chỉnh tòa nhà từ 18 tầng thành 22 tầng và sau là phương án từ 18 tầng xuống còn 16 tầng, song không được UBND TP.HCM chấp thuận. Mục đích của đối tượng đơn giản chỉ là nhằm hợp thức hóa một khoản tiền rất lớn mà PVL muốn dành cho VNLand trong một số hạng mục “vô bổ” của dự án.
Sau 2 ngày thẩm vấn và tranh luận đã làm rõ hành vi phạm tội của Hoàng Ngọc Sáu cùng đồng phạm như trên, nhưng do đã hết giờ làm việc trong ngày và vụ án phức tạp nên cuối giờ chiều qua (10-9), HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội quyết định nghị án kéo dài và sẽ đưa ra phán quyết vào chiều nay, 11-9.