Lĩnh án vì chiêu trò lừa đảo… "chạy án"

ANTĐ - Không có khả năng nhưng Long vẫn khoác lác rằng có thể giúp người khác thoát tội. Nhận tiền “chạy án” xong, đối tượng tiếp tục “bắn” sang một kẻ cũng “chém gió” tương tự. Và rồi hậu quả là cả 2 cùng dắt nhau... vào tù.

Sau 1 ngày xét xử, chiều 4-9, nhận thấy cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Lê Văn Long (SN 1974, trú ở xóm 11, thôn Kênh Hạ, xã Liên Khê, Khoái Châu, Hưng Yên) 15 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đồng phạm với Long trong hành vi lừa đảo “chạy án” là Tôn Thất Thành Nghiệp (SN 1961, ở phố Nguyên Hồng, phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) lĩnh 6 năm tù giam. Bị hại của các đối tượng có 4 cá nhân, trong đó 1 người hiện đang phải thụ án 5 năm 6 tháng tù về tội “Sản xuất hàng giả”.

Bị cáo Lê Văn Long (bên phải) cùng đồng phạm tại tòa

Theo cơ quan tố tụng, một ngày cuối tháng 11-2013, Lưu Văn Mậu (SN 1988, trú ở xã Châu Can, Phú Xuyên, Hà Nội) bị lực lượng chức năng bắt quả tang khi đang sản xuất một lượng lớn giày da giả thương hiệu của một đơn vị quốc phòng.

Trong quá trình cơ quan chức năng xử lý vụ việc, Mậu lo sợ sẽ bị đi tù nên tìm mọi cách để “chạy án”. Được anh Vũ Mạnh Tuân (SN 1981, ở Thanh Trì, người họ hàng với Mậu) giới thiệu, Mậu gặp Lê Văn Long nhờ giúp đỡ.

Nhận lời “chạy án”, Long ra giá Mậu phải chi 30.000 USD. Nhưng rồi sau nhiều lần ngã giá, hai bên chốt hạ số tiền lo lót để Mậu thoát tội xuống chỉ còn 300 triệu đồng. Trong tháng 12-2013, Mậu đã 3 lần đưa cho Long đủ số tiền như thỏa thuận.

Mặc dù “chém gió” là có rất nhiều mối quan hệ tốt và đủ khả năng lo lót để Mậu vừa xin lại được toàn bộ số hàng hóa, đồ nghề bị thu giữ lại vừa không bị xử lý hình sự, song thực tế Long lại tìm đến nhờ Tôn Thất Thành Nghiệp giúp đỡ.

Oái oăm thay, tất cả những gì đối tượng này biết về đồng phạm chỉ là một người làm về xây dựng thông thường và Nghiệp cũng từng ba hoa về chuyện có quan hệ khắp trong Nam, ngoài Bắc. Trong lần đầu tiên nhận 150 triệu đồng của Mậu, Long vẫn đưa cả cho Nghiệp. Số tiền còn lại nhận của Mậu sau này, Long cất giữ riêng và nhanh chóng tiêu xài hết.

Về phần bị hại từng can án và nhờ Long lo lót để thoát tội “Sản xuất hàng giả”, ngỡ tưởng mọi chuyện đã yên ổn nhưng ngay sau Tết Nguyên đán 2014, Mậu vẫn bị cơ quan công an triệu tập đến làm việc theo đúng quy định của pháp luật.

Bức xúc, bị án này gọi điện truy vấn Long thì tiếp tục bị vòi thêm 30 triệu đồng. Sau đó, ngày 31-3-2014, tại một quán ăn ở phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, giữa lúc Long nhận thêm 10 triệu đồng của Mậu thì bị lực lượng công an bắt quả tang.

Ở cuối giai đoạn điều tra và tại phiên tòa, Lê Văn Long thay đổi lời khai khi cho rằng chỉ nhận 180 triệu đồng của Mậu và đều chuyển hết cho đồng phạm. Đối với Tôn Thất Thành Nghiệp cũng chối bỏ việc nhận lời “chạy án”.

Cụ thể bị cáo này trình bày, trước đó Long từng nợ Nghiệp một khoản tiền lớn trong làm ăn nên đối tượng cứ nhận lời “chạy án” bừa, cốt là để lấy lại được tiền nợ. Thế nhưng xét thấy lời khai này của các bị cáo chỉ nhằm để chối tội, do đó cả đại diện VKS cùng HĐXX sơ thẩm đều bác bỏ.

Cùng với hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng của Mậu, các cơ quan tiến hành tố tụng còn làm rõ từ đầu năm 2013 đến trước khi bị bắt giữ, Lê Văn Long còn nhiều lần nhận tiền của 3 người, tổng cộng 1,3 tỷ đồng với lời hứa sẽ “chạy” cho con, em những người này vào trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp trên địa Thủ đô. Vậy nhưng sau khi nhận tiền cùng hồ sơ xin đi học của các bị hại, Long không làm được gì và đã ăn tiêu hết số tiền lừa đảo.

Cùng với án phạt tù, Tòa án Hà Nội còn tuyên buộc bị cáo Long phải bồi thường hơn 1,4 tỷ đồng còn chiếm đoạt cho các bị hại. Với bị cáo Nghiệp, trước khi phiên xử mở ra, đối tượng đã được người thân bồi thường thay toàn bộ nên HĐXX không đề cập đến nữa.