Hàng loạt phụ nữ lóa mắt vì gã "thương gia người Anh"

ANTĐ - Sau một thời gian “tán tỉnh” qua mạng Intenet, đối tượng người Nigeria vờ gửi cho bạn gái một kiện hàng. Trong khi đó, đồng bọn của kẻ lưu manh này thì sắm vai nhân viên chuyển phát nhanh hoặc hải quan yêu cầu bị hại nộp lệ phí và “lót tay”.
Hàng loạt phụ nữ lóa mắt vì gã "thương gia người Anh" ảnh 1

Đối tượng Oshanugor Jammes Anyasi tại phiên tòa

Trong những vụ án tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng Internet, mạng viễn thông hoặc thiết bị số để chiếm đoạt tài sản thì vụ  Oshanugor Jammes Anyasi (SN 1980, quốc tịch Nigeria) vừa bị Tòa án Hà Nội đưa ra xét xử  ngày 29-9 thuộc loại tinh vi và mới nhất. Bởi lẽ đối tượng không chỉ thực hiện tội phạm một mình mà còn có cả những đối tượng ở nước ngoài. Hơn nữa, cách thức, phương tiện để chiếm đoạt tài sản của các bị hại cũng hết sức tinh vi.

Quá trình xét xử, Tòa án Hà Nội đã làm rõ Nguyễn Minh Thi (SN 1988, trú ở TP Biên Hòa, Đồng Nai, đã bị kết án 3 năm tù giam) vốn là du học sinh tại Malaysia từ năm 2010. Thời gian du học tại đây, Thi kết thân với một số đối tượng người Nigeria chuyên hoạt động phạm pháp. Sau khi về nước, tháng 9-2012, Thi quen thêm Oshanugor Jammes Anyasi tại một quán ăn ở TP.HCM.

Tại đây, Jammes bàn với Thi cùng hợp tác lừa đảo các phụ nữ Việt Nam bằng thủ đoạn làm quen qua mạng Internet và có sự hỗ trợ đắc lực từ một số đối tượng cũng là người Nigeria đang sống tại Malaysia. Theo thỏa thuận của 2 đối tượng, số tiền chiếm đoạt được Thi hưởng 10%, Jammes hưởng 15%, còn lại 75% thuộc về các đối tượng tội phạm giấu mặt ở nước ngoài. Để tránh sự phát hiện, đối tượng người Nigeria cung cấp cho Thi số tài khoản ở một ngân hàng mang tên Lê Thị Diệu Thiện. 

Đầu tháng 10-2012, Jammes lập “nick chát” để tán tỉnh chị Lộc Thị Mộng T, trú ở  Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đối tượng lấy tên là John Terry và mạo nhận là người mang quốc tịch Anh. Nhận thấy chị T đã cởi mở về tình cảm và tin tưởng mình, ngày 9-11-2012, Jammes thông báo chị T sẽ sớm nhận được một kiện hàng giá trị do đối tượng gửi tặng, thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế. Đúng 3 ngày sau, hộp thư điện tử của chị T nhận được thông báo từ trang web (giả mạo) với nội dung một người tên John Terry ở Anh gửi chị kiện hàng, trên đó có ghi đầy đủ các thông tin cần thiết của cả người gửi lẫn người nhận đúng như thông lệ quốc tế. 

Tiếp đó, chị T  nhận được điện thoại của Nguyễn Minh Thi giả làm nhân viên chuyển phát nhanh quốc tế yêu cầu người nhận kiện hàng phải nộp hơn 20 triệu đồng lệ phí vào tài khoản ngân hàng mang tên Lê Thị Diệu Thiện. Không nghi ngờ, chị T lập tức chuyển đủ số tiền hơn 20 triệu đồng. Mặc dù vậy, ngày 13-11-2012, vẫn với giọng điệu lừa đảo, Thi yêu cầu chị T phải chuyển thêm 45,7 triệu đồng (tương đương 2.190 USD) nữa thì mới nhận được kiện hàng từ Anh gửi sang.

Tuy nhiên, sau khi gửi tổng cộng hơn 65 triệu đồng vào tài khoản của bọn tội phạm, chị T ra sân bay nhận hàng thì mới biết không hề có dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế như đối tượng “người Anh tên John Terry” nói với chị qua mạng Internet. Do nhanh trí thông báo cho ngân hàng phong tỏa số tiền vừa gửi,  chị T không bị mất hơn 45 triệu đồng. 

Cũng bằng thủ đoạn làm quen, tán tỉnh phụ nữ qua mạng Internet, cuối tháng 9-2012, Oshanugor Jammes Anyasi nói với chị Trương Thị Huyền C (trú ở Nha Trang, Khánh Hòa) rằng đối tượng là thương gia người Anh muốn tìm lô đất có giá 500.000 USD tại Nha Trang để xây khách sạn. Được sự hỗ trợ của đồng bọn ở nước ngoài và thông qua một trang web “ảo”, Jammes nhanh chóng gửi tới chị C một phiếu chuyển tiền có đầy đủ nội dung cần thiết. Đổi lại, để nhận khoản tiền hàng trăm nghìn USD, chị C nhận được thông báo phải nộp lệ phí 1.100 USD từ dịch vụ  chuyển tiền quốc tế giả mạo.

Kết nối lại với thương gia người Anh, chị C nhận được cam kết số tiền phí ấy sau này sẽ được đối tượng trả thành 2.000 USD. Sau đó cũng như trường hợp nêu trên, chị C đã chuyển vào tài khoản mang tên Lê Thị Diệu Thiện hơn 22 triệu đồng. Ít ngày sau, chị C tiếp tục nhận được yêu cầu nộp thêm 3.000 USD nữa và thực tế là ngày 30-10-2012, chị này đã phải sang Campuchia để chuyển tiền tới Malaysia qua hệ thống ngân hàng quốc tế hơn 3.000 USD nữa. Thế nhưng, phải mãi sau này chị C mới nhận ra  mình bị lừa. 

Quá trình điều tra và thẩm vấn tại phiên tòa cho thấy, từ giữa năm 2012 đến khi bị phát hiện, bắt giữ (tháng 2-2015), Oshanugor Jammes Anyasi cùng đồng bọn đã gây ra ít nhất 6 vụ lừa đảo phụ nữ qua mạng Internet với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 650 triệu đồng. Bị đưa ra xét xử, đối tượng người Nigeria không thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân. Nhưng căn cứ vào lời khai của các bị hại cùng chứng cứ liên quan, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Oshanugor Jammes Anyasi 12 năm tù giam về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số chiếm đoạt tài sản”, theo Điều 226b-BLHS.