Cựu Chủ tịch HĐQT "thổi" giá đất lên hàng chục tỷ đồng

ANTĐ - Đứng ra đàm phán mua 2 lô đất, Đào Thành Long nhanh chóng “chốt” được hợp đồng. Thế nhưng để hợp thức hóa tiền “bôi trơn” cấp “sổ đỏ” và tư túi cá nhân, Long  đã “thổi giá đất” tăng lên hàng chục tỷ đồng.  
Cựu Chủ tịch HĐQT "thổi" giá đất lên hàng chục tỷ đồng ảnh 1

Bị cáo Đào Thành Long (ngoài cùng, bên phải) cùng các bị cáo liên quan


Tội phạm “thai nghén” từ trước...   

Hồ sơ vụ án cho thấy, giữ vai trò lớn nhất trong vụ án “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là bị cáo Đào Thành Long (SN 1974), trú ở phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa. Ở thời điểm bị khởi tố vào tháng 7-2012, đối tượng đang giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam (gọi tắt là Công ty Dịch vụ Dầu khí Việt Nam). 

Liên quan đến hành vi tội phạm của Long, Nguyễn Thị Bích Huấn (SN 1979, ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình), Nguyễn Khánh Tuấn (SN 1962, ở tổ 10, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) - cựu cán bộ địa chính phường Trung Hòa lần lượt bị xem xét về tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ” với số tiền đặc biệt lớn.

 Quá trình điều tra làm rõ, tháng 10-2010, mặc dù lúc này chưa được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ Dầu khí Việt Nam, song Đào Thành Long vẫn âm thầm thỏa thuận mua 2 lô đất có tổng diện tích gần 800m2 của gia đình bà Trần Thị Tâm và ông Phạm Văn Luyện, trú ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy. Các bên thống nhất, tổng giá trị của 2 lô đất này là hơn 58,8 tỷ đồng. Đến tháng 12-2010, khi được đảm giữ những cương vị cao nhất ở Công ty Dịch vụ Dầu khí Việt Nam, Long mới đệ trình phương án mua 2 lô đất của gia đình bà Tâm để xây dựng chung cư mini bán ra thị trường kiếm lời và dự kiến doanh nghiệp sẽ có lãi hơn 4 tỷ đồng. 

Và cũng phải đến thời điểm này, Long mới chính thức được các cổ đông ủy quyền thay mặt công ty triển khai dự án. Tuy nhiên, quá trình thực hiện (kể cả khi chưa là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp) Long luôn tự ý quyết định mọi việc theo ý chí cá nhân, trong đó có cả việc chi ra hàng chục tỷ đồng để nhờ “cò” “chạy” giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 2 thửa đất mua của gia đình bà Tâm.

Chi hàng chục tỷ đồng làm “sổ đỏ”

Cụ thể, ngày 16-10-2010, Long tìm gặp Nguyễn Thị Bích Huấn thuê làm “sổ đỏ” trọn gói đối với 2 thửa đất nêu trên với chi phí lên tới 13 tỷ đồng. Nhận được hợp đồng, Huấn  bắt mối và đến gặp ông Lai Mạnh Tiến (khi đó là Chủ tịch UBND phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) nhờ giúp đỡ. Nghe Huấn trình bày sơ bộ về hiện trạng các thửa đất của gia đình bà Tâm, ông Tiến đưa Huấn sang phòng làm việc của cán bộ địa chính là Nguyễn Khánh Tuấn giao việc. 

Ngay trong lần đầu gặp gỡ, Huấn đã “lót tay” cho cán bộ địa chính phường số tiền 50 triệu đồng. Sau đó khoảng 1 tuần, Huấn được Tuấn thông báo việc làm “sổ đỏ” các thửa đất của gia đình bà Tâm gặp khó khăn nên “phí bôi trơn” là 1 tỷ đồng. Không chút lăn tăn, Huấn  đồng ý rồi mang tiền đến phòng làm việc đưa cho cán bộ địa chính. Nhận tiền “bôi trơn” từ Huấn, Tuấn giữ lại 400 triệu đồng và mang 600 triệu đồng đưa cho “sếp” tại nhà để xe của cơ quan.

Chỉ ít ngày sau, Huấn đã có giấy xác nhận đủ điều kiện cấp “sổ đỏ” của UBND phường đối với 2 thửa đất mang tên vợ chồng bà Tâm. Tiếp đến, “cò” làm “sổ đỏ” nhờ thêm một số người khác giúp đỡ nên chỉ đến ngày 14-12-2010, 2 thửa đất Long mua của vợ chồng bà Tâm đã được UBND quận Cầu Giấy cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. 

Để rút được tiền từ Công ty Dịch vụ Dầu khí Việt Nam, một mặt Long chỉ đạo các nhân viên dưới quyền hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ, một mặt đối tượng thỏa thuận với vợ chồng bà Tâm ký lại hợp đồng mua bán 2 thửa đất từ 58,8 tỷ đồng lên thành 85 tỷ đồng. Tại giai đoạn điều tra, Long khai nhận, ngoài việc buộc phải hợp thức hóa hồ sơ mua bán đất hòng được giải ngân thì đối tượng cũng muốn thông qua việc “thổi giá” để tư túi cá nhân. 

Sau nhiều lần hoãn tòa, hôm qua (3-12), thêm một lần nữa vụ án lại bị trì hoãn và trả hồ sơ điều tra bổ sung. Theo đó, ở phần thủ tục phiên xét xử, Nguyễn Khánh Tuấn - cựu cán bộ địa chính phường Trung Hòa cho rằng, ở những ngày đầu trong giai đoạn điều tra, đối tượng không có luật sư bảo vệ. Do đó, HĐXX sơ thẩm đã quyết định trả hồ sơ để xem xét lại nội dung mà bị cáo nại ra.

Chủ tịch phường nộp lại 600 triệu đồng tiền “cảm ơn”
Hồ sơ vụ án thể hiện, quá trình điều tra, ngày 17-7-2012, cơ quan công an đã khám xét khẩn cấp chỗ ở, đồ vật, thư tín đối với ông Lai Mạnh Tiến - Chủ tịch UBND phường Trung Hòa. Cùng ngày, ông Tiến đã tự nguyện mang 600 triệu đồng nộp cho CQĐT.