Bị cáo cầm đầu ô nhóm tội phạm kinh doanh đa cấp "bậy" chối tội

ANTĐ - Hôm nay (19-7), phiên xử Lâm Phúc Hùng cùng đồng bọn tiếp diễn với phần thẩm vấn để làm rõ từng hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án. Trả lời các câu hỏi của HĐXX, đối tượng cầm đầu ổ nhóm kinh doanh đa cấp “bậy” liên tục cho rằng bản thân cũng chỉ là một khách hàng. 

Là bị cáo đầu tiên phải trả lời các câu hỏi của tòa án vào ngày xét xử thứ 2, Lâm Phúc Hùng – cựu Tổng giám đốc Công ty TNHH DIAMOND HOLIDAY Đông Nam Á, thừa nhận  đã người khởi xướng việc phát triển mạng lưới kinh doanh đa cấp thương mại điện tử tại Việt Nam bằng gói sản phẩm du lịch 4 ngày 3 đêm ở những khách sạn đẳng cấp hoặc các khu Resorts trên thế giới.

Hùng khai khoảng tháng 2-2010, khi truy cập vào mạng Internet, bị cáo đọc được trang Web: Usdiamondholyday.com của hệ thống DHT (một trang mạng của Mỹ) có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đa cấp rất sôi động.

Theo đó, nếu khách hàng muốn đi du lịch ở một quốc gia nào đó trên thế giới thì chỉ cần bỏ ra 325 USD là có thể có được dịch vụ ăn nghỉ tại các khách sạn từ 3 đến 5 sao hoặc khu Resorts trong 4 ngày 3 đêm (dành cho 2 người/phòng). Khi khách hàng lựa chọn thì chỉ cần làm theo các hướng dẫn trên trang Web của hệ thống DHT.  

Trùm kinh doanh đa cấp "bậy" - Lâm Phúc Hùng

“Sau khi phát hiện ra hoạt động kinh doanh đó, bị cáo đã sao chép lại nội dung, rồi đưa cho anh Thanh dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt để bị cáo nghiên cứu tiếp” – bị cáo Hùng cho biết. Cũng theo lời khai của “trùm” kinh doanh đa cấp, ít ngày sau Hùng bàn với Thanh và rủ Phạm Thị Thủy (khi ấy là Trưởng phòng vé của Công ty Newtatco) đặt mua thử gói dịch vụ này, thông qua một người quen biết đã tham gia hệ thống DHT.

Nhận lời, Thủy nhanh chóng chuyển tiền bằng USD ra nước ngoài để được sở hữu Evochers (Code), được tạo mã ID và Hùng, Thanh cùng trưởng phòng vé máy bay trở thành thành viên của hệ thống DHT đầu tiên tại Việt Nam với tên mã ID lần lượt là “thuyvn”, “hung68” và “david 688”.

Sau khi đăng tải trên mạng xã hội, các mã ID của Hùng cùng đồng bọn được rất nhiều người chia sẻ, hỏi han và họ muốn được kết nối làm thành viên tiếp theo của DHT.  Trước nhu cầu của khách hàng, Hùng nảy ra ý định thành lập Câu lạc bộ (CLB) Du khách.

Hùng giữ vai trò là chủ nhiệm CLB. Để phát triển sự nghiệp kinh doanh thương mại điện tử đa cấp bất hợp pháp, Hùng cùng một số thành viên chiêu mộ thêm người làm thủ quỹ và người chịu trách nhiệm về kỹ thuật có nhiệm vụ hướng dẫn những người gia nhập vào hệ thống DHT mở, duy trì các gian hàng thương mại điện tử trên mạng Internet.

Cuối tháng 2-2010, bộ ba Hùng, Thanh và Thủy bay sang Hồng Kông (Trung Quốc), gặp một người có tên là Hsueh Cho-Ting (tức Andy Hsu), theo thông tin trên mạng thì người này chính là quản lý DHT.

Theo yêu cầu của Hsueh Cho-Ting, nhóm Hùng cần phải lôi kéo nhiều người tham gia vào hệ thống của đối tượng bằng việc mua các gian hàng thương mại điện tử với gói sản phẩm du lịch nêu trên. Đổi lại, Hsueh Cho-Ting cho phép E-wallet (ví điện tử) của CLB Du khách tồn tại 100.000 USD tiền “ảo”.

Sau cuộc bàn bạc với đối tượng ở Hồng Kông, trở về nước, Hùng cùng đồng bọn soạn thảo hàng loạt thư mời, tài liệu quảng cáo, tuyên truyền, vận động mọi người tham gia mua gói dịch vụ đặt phòng du lịch, thông qua CLB Du khách. Theo đó, nếu muốn đặt phòng du lịch 4 ngày 3 đêm tại các khách sạn từ 3 đến 5 sao trên toàn thế giới thì khách hàng phải nộp vào hệ thống DHT thông qua  ID của đối tượng 340 USD.

Số tiền thu của khách hàng, Hùng “cắt lại” 15 USD để phục vụ hoạt động của CLB, còn lại chuyển vào hệ thống chung để khách hàng được sở hữu code tạo mã ID. Và kể từ đây, khách hàng sẽ được kinh doanh thương mại điện tử và bán “sản phẩm du lịch” cho người khác.

Với cách thức nêu trên, từ tháng 2 đến tháng 7-2010, CLB Du khách của Hùng đã bán được 2.403 mã ID cho 1.062 người để thu về số tiền lên tới hơn 8,3 tỷ đồng cùng hơn 253.000 USD. Ngoài ra, bộ 3 Hùng, Thanh, Thủy đã bỏ túi hơn 800 triệu đồng chênh lệch của hàng nghìn đăng ký tham gia hệ thống DHT.

Bước đầu thẩm vấn Lâm Phúc Hùng cũng cho thấy, khi nộp tiền thật cho ổ nhóm kinh doanh đa cấp “bậy”, người tham gia sẽ được xếp vào 1 bàn Du khách (bàn vàng). Khi bàn này đủ 15 người tham gia thì bàn trưởng (người lôi kéo thêm được 14 người tiếp theo) sẽ được thưởng 1.000 USD trong ví điện tử, gắn với mã ID.

Tiếp đến, bàn trưởng bàn vàng sẽ được chuyển sang bàn kim cương (bàn đỏ). Và khi bàn đỏ hội đủ 64 người là bàn trưởng bàn vàng thì trưởng bàn kim cương lại được “bật ra” để tham gia hỗ trợ các bàn đỏ khác với số tiền thưởng là 15.000 USD. Tuy nhiên trong số tiền ấy thực chất chỉ là tiền “ảo” và Hùng cùng đồng bọn sẽ trích ra 5.000 USD tiền thật để cho họ đi du lịch. Số tiền này sẽ bị đối trừ trong ví điện tử.

Mặc dù khai nhận các hành vi như nêu trên, song trước tòa, “trùm” kinh doanh đa cấp “bậy” liên tục cho rằng bản thân cũng chỉ là một khách hàng như bao người. Phần lớn số tiền khách hàng nộp vào hệ thống DHT, đối tượng không hưởng lợi gì, ngoài được DHT trả lương và “hỏa hồng”...