Xuất khẩu sản phẩm điện tử của Việt Nam: Doanh nghiệp nước ngoài hưởng 99,8%

ANTD.VN - Đầu năm 2015, Việt Nam là nước xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và lớn thứ 3 trong khối ASEAN, nhưng với tốc độ xuất khẩu hiện nay, Việt Nam được kỳ vọng sẽ đạt những thứ hạng cao hơn.

Cần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ để tăng tỷ lệ nội địa hóa lĩnh vực điện tử và linh kiện

Sáng 15-6, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội và Công ty YNHH Reed Tradex tổ chức họp báo về sự kiện "Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam- Nhật Bản lần thứ 7", "Triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ 2017" và "NEPCON Việt Nam 2017 tại Hà Nội".

Các sự kiện này sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 15 tháng 9 tại Hà Nội với mục đích tạo dựng cơ hội kinh doanh, tăng cường chỉ số nội địa hóa cho ngành công nghiệp điện tử và công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, nắm bắt Hiệp định công nghệ thông tin (ITA) của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu điện tử, ông Suttisak Wilanam- Phó Giám đốc điều hành của Reed Tradex cho hay: "Sản lượng nhập khẩu trong lĩnh vực này tăng gần gấp ba lần từ năm 2011 đến năm 2016, xuất khẩu tăng gần 5 lần, từ 12,8 tỷ USD lên 65,8 tỷ USD vào năm 2015.

Đầu năm 2015, Việt Nam là nước xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và lớn thứ 3 trong khối ASEAN, nhưng với tốc độ này, Việt Nam còn được kỳ vọng sẽ nhanh chóng đạt được thứ hạng cao hơn trong danh sách". Trên thực tế, Việt Nam đã vượt qua con số 40 tỷ USD xuất khẩu điện tử trong năm 2017.

Đồng quan điểm này, ông Lưu Hoàng Long- Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) khá lạc quan với tương lai của ngành công nghiệp điện tử. Tuy nhiên, đại diện VEIA cho rằng, Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức.

"Với lợi thế về địa lý là trung tâm của Đông Nam Á và cũng là cầu nối của Đông Dương với thế giới, Việt Nam đang dần trở thành trung tâm sản xuất mới vô cùng hấp dẫn với nguồn lao động có trình độ và chi phí thấp hơn Indonesia và chỉ bằng một nửa Thái Lan". 

Những năm gần đây, sản lượng xuất khẩu các linh kiện điện thoại di động và điện thoại luôn giữ tỷ trọng cao nhất, góp phần lớn vào cân bằng thương mại của Việt Nam và giảm nhập siêu. Tuy  nhiên, trong tổng số điện thoại di động và linh kiện xuất khẩu năm 2016 trị giá 34,3 tỷ USD, các doanh nghiệp FDI kiểm soát 99,8%, trị giá 34,2 tỷ USD.

Theo ông Hironobu Kitagawa- Trưởng đại diện của Jetro tại hà Nội, tỷ lệ nội địa hóa thấp của nguyên liệu và phụ tùng tác động kìm hãm mức tăng trưởng của Việt Nam. "Mức độ nội địa hóa của nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt nam rất thấp, chỉ có 34% trong khi của Trung Quốc là 68%, Thái Lan 57%. Do đó, doanh nghiệp Nhật Bản buộc phải nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc, gây gia tăng chi phí và rủi ro". 

Hiện nay, Ấn Độ là đối thủ lớn nhất của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhờ các chính sách ưu đãi và nền công nghiệp công nghệ cao. Quốc gia này hiện vẫn là "Thung lung Silicon" của châu Á. Muốn tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, Việt Nam cần nâng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao tính cạnh tranh, môi trường kinh doanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.