Việt Nam đang là trọng điểm nhập khẩu thực phẩm hết “date”?

ANTĐ - Gần đây, dư luận cả nước xôn xao về một loại hải sản giá rẻ đến giật mình. Đó là mực tươi. 

Những con mực trắng phau, vẫn còn cứng thịt, trông ngon nõn bày bán từ nhiều chợ ở Hà Nội, đến các chợ đặc sản miền Trung và cả các chợ lớn tại TP Hồ Chí Minh. Trong khi mực tươi bán tại các cảng cá dọc bờ biển nước ta có giá từ 90.000-130.000 đồng/kg thì loại mực này chỉ có giá từ 30.000-50.000 đồng/kg. Và đã có kết luận: Mực đông lạnh quá hạn sử dụng, nhập từ các nước trong khu vực như Đài Loan, Hàn Quốc giá rẻ. Nếu mua từ gốc như ở chợ Máy Chai (Hải Phòng), giá chỉ có 15.000 đồng/kg, mua buôn tại các chợ đầu  mối cũng chỉ trên 20.000 đồng/kg. Qua vài lần ngâm với oxy già và muối, con mực trắng phau, cứng cáp, trông bắt mắt vô cùng. 

Không chỉ hải sản như mực, như cá, ngao, sò ngoại nhập giá rẻ mà còn các loại thịt, từ thịt bò, thịt cừu, thịt gia cầm, thịt lợn, phủ tạng các loại... tất cả đều đã được nhập lậu hoặc gian dối nhập hợp pháp bán với giá rẻ mà sản xuất trong nước không thể cạnh tranh. Chỉ có một điều, ai cũng biết và cũng đều nhắm mắt cho qua, đó là để tiêu thụ được, những người bán hàng đã phải sử dụng rất nhiều các chất tẩy rửa, các chất bảo quản độc hại, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe con người, thậm chí là có thể nguy hại đến sinh mạng người dùng.

Việt Nam đang là trọng điểm nhập khẩu thực phẩm hết “date”?  ảnh 1

Việt Nam đang là cái rốn của thực phẩm nhập khẩu quá hạn

Năm 2014, đoàn kiểm tra liên ngành quận Bình Thạnh, TP.HCM đã phát hiện 6 tấn thực phẩm đông lạnh quá hạn sử dụng, không nguồn gốc xuất xứ tại kho lạnh của Công ty TNHH MTV thực phẩm tươi sống Hà Hiền (88/3 Vũ Tùng, phường 2, Q.Bình Thạnh). Các loại thực phẩm đông lạnh chủ yếu là cánh gà, đùi gà do Việt Nam sản xuất và các loại thịt trâu, xương bò... có xuất xứ từ Ấn Độ, Brazil, Úc, Mỹ. Thời điểm bị thu giữ, kho lạnh của cơ sở sản xuất này bốc mùi hôi thối khi bảo quản 300kg thịt gà đã bị mốc xanh. Hơn 2 tấn cánh gà Emivest  và khoảng 4 tấn phế phẩm gà hết hạn sử dụng trước đó 3 tháng. Ngày 2-5-2014, đơn vị nói trên tiếp tục phát hiện gần 11 tấn thịt bò nhập khẩu và gần một tấn thịt cừu nhập khẩu vận chuyển vào TPHCM tiêu thụ, tất cả đều là hàng nhập khẩu quá hạn sử dụng. 

Không chỉ thịt, hoạt động buôn lậu nội tạng động vật, nhất là các loại nội tạng gia cầm và lòng, tràng, tim, cật lợn càng gia tăng. Đáng lo ngại là hầu hết các vụ buôn lậu mặt hàng này khi được cơ quan chức năng phát hiện đều đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi. Đây chính là nguồn nguyên liệu để sản suất các thực phẩm chế biến sẵn như: giăm bông, xúc xích, thịt nguội, pa tê... đồng thời cũng là nguyên liệu cho món nhậu phổ biến phía Nam: món nướng. Tính chung trong cả nước, năm 2014 các cơ quan chức năng đã bắt giữ trên 1.000 tấn thịt và phụ phẩm chăn nuôi nhập khẩu trái phép vào Việt Nam. Không chỉ thịt và các phụ phẩm, ngay cả sữa quá hạn sử dụng cũng đang đổ vào Việt Nam. Ngày 10-12-2014,  Đội 3 và Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn đã kiểm tra lô hàng  qua cảng Cát Lái TP.HCM phát hiện container phế liệu này chứa hàng lậu. Toàn bộ hàng hóa lậu trong 3 container là mặt hàng sữa, gồm: 7.664 thùng sữa Ensure hương vali; 200 thùng sữa Glucerna hương vani, hiệu Abbott. Tất cả đều đã quá hạn sử dụng. Ước tính của các chuyên gia, mỗi năm, hàng trăm tấn sữa quá hạn sử dụng đã được nhập về Việt Nam và qua các thủ đoạn dán nhãn mác giả, đã được tung ra thị trường tiêu thụ.

Các thủ đoạn nhập khẩu những thực phẩm bẩn này rất tinh vi. Phổ biến là nhập lậu từ biên giới phía Bắc, sau đó tập trung về các đầu mối ở các tỉnh đồng bằng rồi phân phối đi cả nước. Hiện nay, thịt và phụ phẩm chăn nuôi quá hạn sử dụng còn được nhập lậu qua đường biển với số lượng lớn. Ngoài ra còn có thủ đoạn lợi dụng các hình thức tạm nhập để tái xuất sang Trung Quốc nhưng vòng lại, tiêu thụ tai Việt Nam. Thêm một hình thức nữa là thực phẩm quá hạn sử dụng nhưng vẫn gian dối để nhập khẩu chính ngạch. Các đối tượng này lợi dụng tình trạng thiếu thiết bị kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu thực phẩm không có chất bảo quản là được thông quan. Các loại thịt và phụ phẩm này dù có hại cho người sử dụng vẫn được công khai tiêu thụ, thậm chí vào cả các siêu thị có uy tín.

Ông Nguyễn Bình, lãnh đạo trung tâm Thú y vùng VI cho biết: Mỗi năm, tại các cảng ở TP Hồ Chí Minh thông quan khoảng 100 nghìn tấn thịt đông lạnh và phụ phẩm gia súc gia cầm, trong đó phần lớn là có tờ khai nhập khẩu để làm thức ăn chăn nuôi, phân bón. Thế nhưng một phần không nhỏ số lượng đó đã bằng nhiều cách đã có mặt trên bàn ăn của chúng ta. Dĩ nhiên để lừa được người tiêu dùng, những kẻ nhẫn tâm đã sử dụng rất nhiều các chất phụ gia độc hại, chứa nhiều chất cấm, có nhiều kim loại nặng. Ở Chợ Đồng Xuân (Hà Nội), chợ Kim Biên (TP Hồ Chí Minh) người ta có thể mua đủ mọi chất phụ gia, hương liệu để biến một súc thịt thối, một lô chân, cánh gà, một bộ lòng đã bốc mùi trở thành một thứ thực phẩm tươi ngon, thơm phức như vừa ở lò mổ ra. 

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, các thực phẩm có chứa nhiều kim loại nặng, độc có thể gây nhiều bệnh lý nghiêm trọng ở người. Thậm chí có thể gây phù não, suy thận, rối loạn huyết áp, gây vô sinh, sảy thai hoặc sinh non ở phụ nữ có thai, gây suy giảm chỉ số thông minh ở trẻ em, thậm chí có thể gây bệnh ung thư...

Nhập lậu, nhập hàng thối vì thịt Việt Nam đắt nhất thế giới?

Theo giới kinh doanh thực phẩm tại TP Hồ Chí Minh, giá thịt bò nhập từ Úc, Brazin về Việt Nam giá theo tờ khai hải quan chỉ khoảng 2 USD/kg. Sau khi nhập về, nộp 5% thuế nhập khẩu, các con buôn bán ra với giá từ 200.000-300.000 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn buôn ma túy. Chỉ tiếc một điều, các loại thịt này thường là thịt loại B, loại thịt đã quá hạn sử dụng, chất lượng kém, dễ nhiễm khuẩn, dành để làm thức ăn chăn nuôi. Nhưng ngay cả thịt dành cho người, giá cũng chỉ khoảng 5 USD/kg, rẻ hơn rất nhiều so với thịt bò trong nước. 

Trong cuộc họp mới đây với các chuyên gia kinh tế, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam đã cho biết, chi phí chăn nuôi ở Việt nam có thể nói cao nhất thế giới, chính vì vậy, giá thành thịt và các phụ phẩm chăn nuôi cũng cao nhất thế giới. Giá thịt bò tại Úc bằng 60% so với Việt Nam. Không chỉ thịt bò mà thịt lợn, thịt gà sản xuất trong nước đều có giá thành sản xuất cao hơn hẳn các nước trong khu vực và trên thế giới. Giá lợn hơi nước ta có thể nói luôn cao nhất thế giới. Hiện nay giá lợn hơi nước ta đang ở mức 50.000 đồng/kg. Dù đang là mùa đông, nguồn cung thịt giảm, nhu cầu cuối năm quá lớn nhưng giá lợn hơi ở Trung Quốc cũng chỉ nhỉnh hơn lợn Việt Nam 5.000 đồng/kg, còn bình thường luôn thấp hơn Việt Nam. So với Thái Lan hay xa hơn là Mỹ, Canada, giá thành nuôi lợn ở Việt Nam đều cao hơn. Sắp tới, gà nội sẽ “chết” nữa nếu gà Trung Quốc với giá rẻ như cho, chỉ hơn 10.000 đồng/kg ồ ạt tràn sang theo nhiều con đường khác nhau. Đấy là chưa nói đến thịt nhập khẩu ngày càng tăng từ Hàn Quốc, Mỹ, Ba Lan...

Tại sao lại như vậy? Câu hỏi ấy đã được trả lời, chỉ có điều chúng ta không thể khắc phục được. Quy mô manh mún, nhỏ lẻ, giá thành sản xuất cao, chưa kiểm soát tốt dịch bệnh… là những điểm yếu cố hữu của ngành chăn nuôi Việt Nam. Đầu vào thức ăn phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu, dẫn tới chi phí sản xuất cao. Trong khi, đối với chăn nuôi thì giá thành thức ăn đã chiếm tới 65-70% chi phí. So với các nước trong khu vực, giá thành thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 10%. Tiếp đó là vấn đề kiểm soát dịch bệnh chưa thực sự hiệu quả. Mặc dù đa số các bệnh đều đã được kiểm soát nhưng một số loại dịch bệnh như lở mồm long móng, cúm gia cầm vẫn hoành hành, gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi. Một trong những điểm yếu cố hữu nữa của ngành chăn nuôi Việt Nam là con giống. Chất lượng con giống đưa tới người chăn nuôi chưa đảm bảo. Có thể thẳng thắn mà nói, ngành chăn nuôi nước ta đang phụ thuộc phần lớn vào nước ngoài. Cụ thể, ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam hiện nay sử dụng nguồn giống lợn ngoại là chủ yếu (chiếm 74% trong tổng đàn lợn), trong đó bao gồm cả giống lợn ngoại thuần (52,83%) và giống ngoại lai (47,17%).

Đối với gà, nguồn cung gà giống dùng để đẻ trứng ở Việt Nam hiện nay được cung cấp chủ yếu là từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như CP. Group, Japfa và Emivest. Thị phần của các đơn vị này chiếm đến hơn 90% so với tổng nguồn cung của cả nước. Mỗi tháng 3 đơn vị này cung cấp ra thị trường khoảng 6,2 - 6,5 triệu con giống, riêng gà lông trắng thì phụ thuộc 100% vào doanh nghiệp nước ngoài. Đối với ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có các loại nguyên liệu giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột xương thịt, bột cá Việt Nam phải nhập tới 90%; và khoáng chất, vitamin, phụ gia phải nhập khẩu 100%. Không chỉ nhập khẩu nguyên liệu, năm 2013, sản lượng thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trực tiếp cũng tăng, đạt 13 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với năm 2012. Ở mảng vaccine và thuốc thú y, số liệu thống kê nhập khẩu vaccine dùng cho thú y của Việt Nam tăng một cách mạnh mẽ về cả lượng và giá trị. Trong giai đoạn từ năm 2002 - 2013, giá trị nhập khẩu vaccine dùng cho thú y tăng từ hơn 6 triệu USD lên gần 60 triệu USD, tăng gần gấp 10 lần. Chỉ điểm qua các sản phẩm chính của ngành chăn nuôi như trên đã cho thấy, chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài.

Làm sao mà giá không cao được. Các nghiên cứu đã chỉ rõ, chỉ có thể chống lại nạn nhập lậu dưới nhiều hình thức các loại thực phẩm bẩn, quá hạn sử dụng, ngoài tăng cường kiểm soát, chỉ có một cách phải sớm phát triển chăn nuôi, hạ giá thành sản xuất. Nếu thực phẩm trong nước rẻ hơn hàng nhập khẩu, sẽ không còn thực phẩm nhập lậu, không còn thực phẩm quá hạn sử dụng nữa. Đã đến lúc, ngành chăn nuôi Việt Nam cần phải có một chiến lược rất cụ thể và khả thi ngay từ bây giờ để nâng cao sức cạnh tranh cũng như đối phó với những thách thức khi chúng ta buộc phải mở cửa thị trường sau khi ký kết các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) chẳng hạn.