Vay tiêu dùng hết cửa mập mờ

ANTD.VN - Thông tư hướng dẫn cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) soạn thảo sẽ có nhiều điểm mới và được kỳ vọng giúp loại hình dịch vụ này chuyên nghiệp hóa hơn. Bởi thực tế thời gian qua, hoạt động cho vay tiêu dùng tồn tại nhiều bất cập, nhiều công ty tài chính lợi dụng “kẽ hở” của luật pháp và sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để “bắt chẹt” người vay khiến dư luận bức xúc.

Hoạt động cho vay tiêu dùng đang nở rộ, song cần có hành lang pháp lý rõ ràng để quản lý   (Ảnh: Internet) 

Thị trường tiềm năng

 Trong những năm gần đây, tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Báo cáo của Công ty Cổ phần Truyền thông Tài chính StoxPlus cho thấy, quy mô cho vay tiêu dùng tại Việt Nam năm 2015 đạt 15,1 tỷ USD, bằng 10,2% tổng mức tiêu dùng cuối cùng, bằng 7,9% GDP và tăng tới 44% so với năm 2014.

Theo các chuyên gia, tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam đã và sẽ có những bước phát triển bứt phá bởi tiềm năng còn rất lớn. Nguyên nhân, ngoài việc đây là một xu hướng đang phát triển mạnh trên thế giới thì với điều kiện kinh tế đang phát triển ở nước ta, nhu cầu vay tiêu dùng trong dân rất lớn.

Tỷ lệ người dân có thu nhập ở mức trung bình thấp còn nhiều, trong khi việc tiếp cận các khoản vay ngân hàng khó khăn do các điều kiện ngặt nghèo. Trong khi đó, hậu quả của nạn “tín dụng đen” khiến người dân có xu hướng tìm đến những dịch vụ tài chính an toàn, chính thống với khả năng đáp ứng nhu cầu vốn nhanh chóng, thủ tục đơn giản, tiện lợi…

So với các hồ sơ vay tại ngân hàng, các công ty cung cấp dịch vụ tín dụng tiêu dùng không yêu cầu chặt chẽ về việc chứng minh tài chính, xác minh nhu cầu tiêu dùng hoặc các thủ tục liên quan khác. Thời gian giải ngân của dịch vụ này cũng nhanh hơn, trong nhiều trường hợp khi mua sắm tài sản thì khách hàng được giải ngân ngay sau khi ký hợp đồng. Lợi thế này giúp các công ty thu hút được một bộ phận rất lớn người sử dụng dịch vụ. 

Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động cho vay tiêu dùng vẫn khiến dư luận bức xúc do thiếu chuyên nghiệp. Theo Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, tranh chấp về dịch vụ tín dụng tiêu dùng là một trong những nội dung khiếu nại được tiếp nhận nhiều trong thời gian gần đây. Cụ thể, nhiều công ty tài chính có dấu hiệu cung cấp thông tin gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; nhân viên tư vấn không chủ động cung cấp hợp đồng để người tiêu dùng tham khảo trước khi ký và lưu giữ sau khi ký; nhiều công ty tài chính sử dụng hình thức đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”…

Tạo hành lang pháp lý rõ ràng

Mới đây, NHNN đã chính thức công bố lấy ý kiến rộng rãi Dự thảo lần 2 Thông tư quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Đây được coi là một tín hiệu tích cực, không chỉ đưa hoạt động này vào khuôn khổ, chuyên nghiệp hóa mà còn góp phần thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tương xứng với tiềm năng.

Một trong những điểm nổi bật được giới chuyên gia đánh giá cao tại Dự thảo của NHNN lần này là không quy định về mức trần lãi suất cho vay tiêu dùng. Thay vào đó, NHNN cho phép các bên tự thỏa thuận lãi suất phù hợp với quy định của NHNN về lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Theo đó, mức trần lãi suất 20% mà Bộ luật Dân sự 2015 quy định sẽ không áp dụng với các tổ chức tín dụng và công ty tài chính cho vay tiêu dùng nói riêng.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, quy định này là hoàn toàn phù hợp, bởi chắc chắn rằng trần lãi suất 20% sẽ không thể áp dụng cho công ty tài chính, bởi đó là mức rất thấp so với mặt bằng lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay.

Hơn nữa, hoạt động cho vay tiêu dùng có mức độ rủi ro lớn hơn rất nhiều so với vay ngân hàng. “Theo nguyên tắc thị trường, thì rủi ro càng cao, lãi suất sẽ càng cao. Do vậy, nếu khống chế trần lãi suất đối với tín dụng tiêu dùng là không phù hợp” - ông Nguyễn Trí Hiếu nói.

Tính lãi trên dư nợ thực tế

Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Dự thảo nêu quy định trước khi ký hợp đồng cho vay tiêu dùng, công ty tài chính phải cung cấp và giải thích đầy đủ, chính xác, trung thực cho khách hàng hiểu được các thông tin liên quan, bao gồm cả các hậu quả hoặc chế tài sẽ áp dụng khi khách hàng vi phạm hợp đồng.

Trong đó, phải có tối thiểu các thông tin lãi suất cho vay được tính theo tỉ lệ %/năm (không cho phép tính theo tháng), các loại phí liên quan đến khoản vay tiêu dùng và mức phí áp dụng khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng, đồng thời cho khách hàng biết tổng số tiền lãi cũng như các mức phí mà khách hàng vay phải trả trong suốt thời hạn vay…

Một điểm mới tại Thông tư này là NHNN yêu cầu các công ty tài chính phải tính lãi trên số tiền nợ thực tế còn lại, tránh việc tính lãi trên tổng số tiền vay ban đầu. Về quy định này, một số ý kiến cho rằng, NHNN nên quy định linh hoạt về phương thức tính lãi, chẳng hạn các tổ chức tín dụng có thể thỏa thuận với khách hàng thể hiện mức lãi suất theo tỷ lệ %/tháng hoặc tỷ lệ %/ngày trên hợp đồng cho vay. Vì thỏa thuận này hoàn toàn không làm thay đổi bản chất của lãi suất, không trái luật và thuận tiện cho khách hàng theo dõi. 

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, quy định này là cần thiết, bởi thực tế thời gian qua, không ít công ty tài chính đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người vay để tính lãi theo dư nợ ban đầu khiến người dân lầm tưởng là lãi suất thấp nhưng lãi thực tế cao. “Việc tính lãi theo dư nợ ban đầu là rất vô lý. Người tiêu dùng vay 10 triệu đồng, người ta trả được 9 triệu rồi, chỉ còn nợ 1 triệu thì không thể bắt người ta phải trả lãi cho 10 triệu được”. 

Nên nâng hạn mức cho vay

Tại dự thảo nêu trên, vẫn còn một điểm mà các chuyên gia đánh giá là bất cập, đó là quy định giới hạn cho vay tiêu dùng không vượt quá 10 triệu đồng. Cụ thể, tại Điều 17 quy định về sử dụng phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay nêu rõ: “Công ty tài chính được xem xét quyết định việc giải ngân vốn cho vay tiêu dùng cho khách hàng để khách hàng thanh toán cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ... tổng số tiền không vượt quá 10 triệu đồng, hoặc một mức khác theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời  kỳ”. 

Mức 10 triệu đồng được cho là quá thấp so với nhu cầu vay của người tiêu dùng, vì nhu cầu vay mua sắm những vật dụng có giá trị cao hơn mức này như tivi, máy điều hòa, máy tính, điện thoại đắt tiền, hay thậm chí xe máy, ô tô… đang phổ biến hiện nay. Hơn nữa, việc giới hạn mức cho vay thấp như vậy cũng mâu thuẫn với một số quy định hiện hành.

Cụ thể, theo quy định tại Thông tư số 09/2012/TT-NHNN ngày 10-4-2012 quy định việc sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn cho vay, các khoản giải ngân dưới 100 triệu đồng thì không bắt buộc phải sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng nên nâng hạn mức khoản vay tiêu dùng lên khoảng 50 triệu đồng hoặc quy định theo hướng mở thì hợp lý hơn.