Vàng, chứng khoán, bất động sản: Nhìn từ những cơn nóng, lạnh

ANTĐ - Cũng như mọi năm, Tết Nguyên đán đến trước cửa mỗi nhà cứ bắt người ta nhìn vào giá cả những mặt hàng được coi là tài sản, là kết quả của một năm lao động. Đó là vàng, là ngoại tệ, là cổ phần, cổ phiếu... Dẫu những thứ ấy đã từ lâu không còn tác động trực tiếp đến nhu cầu sống hàng ngày, đến cả tình cảm thường nhật nữa, nhưng cũng không thể quên. 
 Vàng, chứng khoán, bất động sản: Nhìn từ những cơn nóng, lạnh ảnh 1

Thị trường vàng với những cơn sốt nóng lạnh, những đoàn người rồng rắn xếp hàng để mua, những đoàn người xếp hàng để bán đã lùi vào quá khứ. Bây giờ, những cửa hàng vàng vắng tanh, bất kể giá tăng giá giảm. Chỉ mới hơn một năm trước, người ta còn tranh nhau, so bì này nọ, chạy chọt các cửa để kiếm một giấy phép kinh doanh vàng miếng. Bây giờ, nhiều hiệu vàng đã trả giấy phép kinh doanh vàng miếng. Nhiều công ty có giấy phép kinh doanh vàng miếng cũng tự đóng cửa dịch vụ. Lý do đơn giản: Doanh thu quá kém, thu không bù chi, lỗ thường trực. 

Thị trường chứng khoán trong năm qua rất giống nồi nước sôi. Lúc thì nóng rực, hơi bốc dàn dụa, nhiều khi thổi tung cả nắp vung. Lúc thì lạnh băng, thanh khoản cả hai sàn không được 30% so với hôm trước, nghĩa là chỉ còn thính mà không còn cả mồi câu. Những trạng thái sục sôi và lạnh giá này đã góp phần dọa khiếp các nhà đầu tư nhỏ để thị trường chứng khoán bây giờ gần như chỉ còn các nhà đầu cơ ngồi lại với nhau.

Nhà cửa, chỗ ăn chỗ ở cũng là một nỗi lo toan cuối năm cũ, đầu năm mới. Thị trường bất động sản vào cuối năm cũng có bước chuyển. Những nhu cầu nhà ở thật, không chờ đợi được sự giảm giá hơn nữa cũng đã tìm đến nguồn cung. Chính nhu cầu ở thật, không đầu cơ đã giải thoát cho những dự án làm thật và tuyên án tử cho những dự án chụp giật, làm ăn giả dối.

Hãy quên vàng đi

Giá vàng đã làm một hành trình đi xuống từ mức gần 45 triệu đồng/lượng năm 2012 xuống mức xung quanh 35 triệu đồng cuối năm 2014. Sáng ngày 14-1-2015, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 35,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 35,29 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ chiều ngày 13-1 giá vàng đã giảm 40.000đ/lượng. Vùng giá trên 35 triệu đồng/lượng đã duy trì suốt từ đầu tháng 12-2014 tới nay mà chưa có sự biến chuyển rõ rệt nào. So với giá vàng quốc tế quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ ngày 14-1 cao hơn khoảng 3,5 triệu đồng/lượng. Đó cũng chính là tình trạng giá vàng thế giới, từ đầu tháng 12-2014, giá vàng thế giới cũng chỉ chạy quanh giá 1.200 USD/oz. 

Hiện nay, giá vàng trong nước tuy có sự liên thông tăng giảm cùng với các giá trị liên quan: Giá vàng trên thị trường thế giới, giá đồng USD nhưng lại tiềm ẩn một biến số không rõ ràng, đó là khoản chênh giữa giá vàng trong nước và thế giới. Khoản chênh này hoàn toàn không do thị trường tạo ra mà do chính sách và các hoạt động đầu cơ của các công ty kinh doanh vàng. Chính vì vậy, giá trị thật sự của vàng trên thị trường trong nước không còn phụ thuộc vào nhu cầu của thị trường, cả trong và ngoài nước. Ngoài chức năng vàng trang sức, vàng không còn giá trị là tài sản dự trữ, mặc dù tính thanh khoản vẫn cao. Khẩu hiệu của chúng tôi với dự trữ và đầu tư vàng là: Hãy quên vàng đi.

Chứng khoán biến thành… sới bạc

Không có một thị trường chứng khoán nào trên thế giới sôi động bằng Việt Nam, nếu chỉ tính tới sự tăng giảm các chỉ số thị trường. Việc mỗi ngày, thị trường tăng giá từ 1-5% đã trở thành thường trực. Một thị trường thứ cấp mà đầu cơ là chủ yếu với tâm lý đám đông, thói quen bầy đàn đã biến thị trường thành một sới bạc, không phản ảnh trạng thái của doanh nghiệp. 

Có một điều tra trên thị trường chứng khoán cho thấy, lượng  tiền chu chuyển trên hai sàn chứng khoán Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chủ yếu chỉ có ba nguồn. Đầu tiên là dòng tiền các công ty chứng khoán thực hiện nghiệp vụ margin hình thành từ hai nguồn: vay từ ngân hàng và tự huy động (phát hành trái phiếu, vốn chủ sở hữu, vay đối tác...). Hai là, doanh số vốn mà các ngân hàng đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp. Nguồn thứ ba là doanh số vốn ngân hàng đầu tư vào cổ phiếu niêm yết và mua cổ phần các doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa. Dĩ nhiên còn có số vốn của các nhà đầu tư ngoại và của các nhà đầu tư nhỏ, nhưng không chiếm phần quan trọng. Như vậy, chúng ta có thể thấy nguồn tiền vay (lưu ý, tiền của ngân hàng bản chất vẫn là tiền vay) chiếm phần lớn lượng tiền chu chuyển trên thị trường. Chính vì vậy, khi Thông tư 36/NHNN được ban hành, hạn chế các khoản cho vay chứng khoán, nó đã đánh một đòn chí mạng vào thị trường.

Cuối tuần qua, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện vụ chuyên ngành thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), công ty chứng khoán lớn cùng một số chuyên gia tài chính tranh luận sôi nổi xung quanh tác động của Thông tư 36/NHNN đến thị trường chứng khoán. Theo một ý kiến tại cuộc họp mới đây, tại thời điểm 2006 - 2007, khi dòng tiền từ các ngân hàng ồ ạt tràn sang, khiến cho thị trường chứng khoán phát triển quá nóng và ảo; nhưng khi các ngân hàng cắt giảm tỷ lệ này, thị trường biến động giảm rất mạnh. Vì vậy, thị trường chứng khoán không nên hoan nghênh dòng tiền nóng này, thay vào đó, hãy tự tìm cho mình những kênh vốn bền vững nhất. Nhưng tìm ở đâu? Thực trạng của thị trường cho thấy, mặc dù vốn ngoại và vốn của các nhà đầu tư nhỏ không chiếm phần quan trọng, nhưng tính hướng dẫn của số vốn này cực cao vì... nó là vốn thật, không phải là vốn vay. 

Rõ ràng, thị trường chứng khoán không cần những khoản tiền nóng. Đảm bảo thanh khoản, nhưng cổ động cho đầu tư dài hạn, không cổ vũ đầu cơ là định hướng đúng của chính sách và cũng thể hiện bản lĩnh của NHNN thời điểm này. Thông tư 36/NHNN rất tốt trong việc lành mạnh hóa thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Tuy vậy, sau khi ban hành, doanh số giao dịch của dòng vốn nước ngoài giảm sút khi bán ròng liên tiếp thay vì mua ròng như trước. Gần nửa cuối tháng 12-2014, thị trường chứng khoán có những phiên giảm mạnh, có những phiên giảm kỷ lục. Chung quy được nhiều thông tin gắn với lý do tác động của thông tư trên, quy định mới về cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Thậm chí, một số phân tích và bình luận cho rằng thị trường “sốc” và “tràn ngập nỗi lo” với Thông tư 36 - siết vốn đòn bẩy vào chứng khoán.

Diễn biến trên thị trường cho thấy, trong thời gian vài chục ngày qua, các chỉ số VN-Index đã từ 615 điểm đã có lúc giảm xuống 530 điểm và hiện đang ở mức xung quanh 570 điểm. Chỉ số HNX-Index cũng dao động tương tự như vậy và hiện đang dao động quanh mức 83 điểm. Vậy các nhà đầu tư, những người có tiền tiết kiệm có nên tham gia đầu tư chứng khoán không? Theo chúng tôi vẫn nện quan tâm tới thị trường này, hãy chọn một doanh nghiệp đang hoạt động tốt, một doanh nghiệp Nhà nước đang được cổ phần hóa để mua cổ phần, để tham gia làm chủ nó, để được hưởng cổ tức một cách lành mạnh. Còn tham gia đầu tư ngắn hạn, nghĩa là tham gia buôn cổ phiếu trên sàn, khẩu hiệu của chúng tôi là: Tránh xa nồi nước sôi, không buôn chứng khoán.

Buôn bất động sản, coi chừng khả năng thâm vào vốn

Vào thời điểm này,  thị trường căn hộ, tổng nguồn cung tại Hà Nội khoảng 104.300 căn từ 247 dự án đã bán và đang mở bán, giảm khoảng 9% so với quý 3-2014. Tuy nhiên nguồn cung thứ cấp (từ các nhà đầu cơ bất động sản bán ra) tăng khoảng 5%. Giá các căn hộ chung cư đã tăng khoảng 0,3% ở các dự án và khoảng 1% ở các nhà đầu tư thứ cấp, so với quý 3-2014. Tuy nhiên, một tín hiệu tốt khi số căn hộ được tiêu thụ tăng tới 38% so với quý 3-2014. 

Nhưng cũng còn một thực trạng khá tối tăm của thị trường bất động sản. Nhiều dự án quy mô hàng nghìn tỉ đồng, đang giậm chân tại chỗ hoặc chủ đầu tư có dấu hiệu tháo chạy, gây khốn đốn cho người dân trong vùng dự án và chính quyền sở tại. Khảo sát cho thấy, hàng loạt biệt thự đã được xây với số tiền cả bạc tỷ tại các khu đô thị mới như Gleximco, Mễ Trì, Kim Chung - Di Trạch, Tân Tây Đô, Lideco...

Trên thực tế, giá nhà biệt thự, liền kề, dù ở thời điểm này được cho là đã giảm mạnh, đến 50%, nhưng vẫn còn quá cao so với thu nhập của đại bộ phận người dân. Biệt thự bỏ hoang giờ trở thành nơi tá túc cho người lao động nghèo. Họ tận dụng buôn bán, kinh doanh tạm bợ các mặt hàng bình dân như trà đá, cắt tóc, thậm chí cả trồng rau, tập kết phế liệu. Đi vào khu vực nội đô, bức tranh xám của thị trường lộ rõ qua các tòa nhà chung cư cao tầng dừng thi công, hoen gỉ, chưa biết ngày hoàn thiện. Điều dễ nhận thấy ở các dự án này là sự tham vọng quá lớn của các chủ đầu tư khi vẽ ra những dự án lung linh trên giấy, thu hút người mua nhà và sau đó không đủ năng lực để thực hiện.

Sau nhiều lần rà soát, kiểm tra, cơ quan chức năng đã có nhiều kiến nghị xử lý, thu hồi các dự án bất động sản bỏ hoang tuy nhiên cho tới nay con số thực hiện được vẫn chưa đáng kể. Qua kiểm tra, thành phố Hà Nội đã thu hồi 820ha đất, trong đó có nhiều khu “đất vàng” ở 53 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng; khu nhà ở để bán của Công ty Đầu tư xây dựng Gia Lâm ở quận Tây Hồ; khu đất ở số 35 Điện Biên Phủ, quận Ba Đình. Hiện cả nước đã có 74 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, với số lượng căn ban đầu là 33.867 căn xin điều chỉnh thành 44.881 căn (tăng 11.014 căn). Trong đó, có 60 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội với quy mô xây dựng 38.897 căn hộ.

Nhận định về thị trường, nhiều chuyên gia dự báo, về cơ bản, thị trường bất động sản vẫn tiếp tục khó khăn từ nay đến cuối năm và cả trong năm 2015, mặc dù đang có dấu hiệu hồi phục. Tuy thị trường đã có cải thiện về thanh khoản, nhưng doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa hết khó khăn. Trên những cơ sở đó, quan điểm của chúng tôi với hướng đầu tư này là nếu có nhu cầu nhà ở, hãy mua, nhưng trước khi mua nên tìm hiểu kỹ khả năng của chủ đầu tư, kiểm tra sự phù hợp của hàng hóa với nhu cầu. Nếu định đầu tư kiếm lợi nhuận từ bất động sản, coi chừng, khả năng thâm vào vốn rất cao.