Tỷ giá tăng mạnh, tạo áp lực lớn lên lạm phát, lãi suất

ANTD.VN - Tỷ giá tăng sẽ gây áp lực lên lãi suất khi các ngân hàng phải duy trì chênh lệch lãi suất huy động cao so với đồng USD để tránh việc người dân không rút tiền găm ngoại tệ do kỳ vọng giá USD tăng cao.

Sức ép tỷ giá rất lớn

Hôm nay, 3/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức 22.635 đồng/USD. Tỷ giá này được giữ nguyên so với hôm qua nhưng giảm mạnh tới 15 đồng so với cuối tuần trước.

Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào là 22.700 đồng/USD, bán ra 23.294 đồng/USD, cũng giữ nguyên so với hôm qua.

Tuy nhiên, tại các ngân hàng, tỷ giá lại vẫn có xu hướng tăng khá mạnh. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đồng USD được mua vào giá 23.010 đồng, bán ra 23.080 đồng, tăng 90 nghìn đồng cả hai chiều so với hôm qua. Giá USD chợ đen hiện đang ở mức mua vào là 23.110 đồng/USD và bán ra ở mức 23.130 đồng/USD, tức là tăng 20 đồng ở cả hai chiều với cuối tuần qua.

Như vậy, dù tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước sử dụng như một công cụ để điều tiết giá đồng USD nhưng theo chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu điều này cũng khó “cưỡng lại” được sức ép lên tỷ giá.

“Những năm gần đây, tỷ giá trung tâm không chỉ dựa vào đồng USD mà tính trong một rổ tiền tệ gồm 8 đồng tiền khác, vì vậy đã trung hòa bớt ảnh hưởng của USD lên tỷ giá. Dù vậy, tôi nghĩ vẫn khó cưỡng lại được sức ép tỷ giá” – vị chuyên gia nhận định.

Theo lý giải của chuyên gia này, có nhiều nguyên nhân của việc tỷ giá tăng cao thời gian gần đây.

Trước hết là từ các yếu tố bên ngoài mà rõ ràng nhất là tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) điều chỉnh tăng lãi suất lần thứ hai kể từ đầu năm đến nay và dự báo sẽ còn tăng thêm 2 lần nữa từ nay đến cuối năm. Điều này dẫn đến giá của đồng dollar Mỹ sẽ mạnh lên so với nhiều đồng tiền khác, trong đó có đồng Việt Nam.

Cùng với đó, cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu đang khởi đầu, Việt Nam cũng sẽ bị kéo vào, có thể sẽ bất lợi cho việc xuất khẩu và do vậy sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung ngoại tệ.

Tỷ giá trên thị trường vẫn tăng cao dù tỷ giá trung tâm được kiềm chế

Các yếu tố nội tại đến từ chính nền kinh tế Việt Nam cũng đang tạo sức ép lên tỷ giá: GDP tháng 6 đạt cao nhất trong 7 năm trở lại đây, kéo theo lạm phát có thể tăng. Cùng với đó, nhập khẩu từ nay đến cuối năm chắc chắn sẽ tăng cao, cần nguồn cung ngoại tệ lớn để các doanh nghiệp nhập hàng...

Lãi suất khó giảm, lạm phát thêm sức ép

Cũng theo các chuyên gia, việc tỷ giá liên tục tăng sẽ có nhiều tác động đến kinh tế Việt Nam. Trong đó, cũng có những tác động tích cực nhất định như các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được lợi vì đa phần đều thu về ngoại tệ USD.

Các doanh nghiệp nhập khẩu cũng có thẻ được lợi từ việc đồng nhân dân tệ đang mất giá, tuy nhiên những doanh nghiệp nhập khẩu phải thanh toán bằng USD hoặc các doanh nghiệp đang vay ngoại tệ sẽ bị gia tăng chi phí. Chi phí sản xuất gia tăng dễ dẫn đến gia tăng lạm phát.

Tỷ giá tăng cũng sẽ gây áp lực lên nợ công, vì hiện nay gần 50% nợ nước ngoài của Việt Nam tính bằng USD, vì vậy tỷ giá tăng sẽ khiến nợ công tính bằng tiền đồng sẽ tăng, gây bất lợi cho ngân sách.

Ngoài ra, tỷ giá tăng cũng gây áp lực lên lãi suất. Vì để người dân không rút tiền để găm ngoại tệ do kỳ vọng giá USD tăng thì ngân hàng sẽ phải giữ một mức chênh lệch lãi suất hấp dẫn. “Nếu giảm lãi suất huy động khả năng người dân rút tiền đổ vào USD là có, vì vậy từ nay đến cuối năm, việc hạ lãi suất là khó” – TS Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.

Trước tình trạng tỷ giá liên tục leo thang, hôm qua Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng “trấn an” dư luận. Theo đó, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, từ ngày 18/6 đến nay tỷ giá có diễn biến tăng, đến ngày 2/7 cao hơn khoảng trên 1,2% so với cuối năm 2017.

Tuy nhiên, theo ông Hà, thanh khoản thị trường vẫn đảm bảo, trạng thái ngoại tệ vẫn duy trì ở mức dương, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, mọi nhu cầu mua ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Nếu cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn tỷ giá bán niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.