Từ ngày mai, doanh nghiệp được quyền tăng giá sữa

ANTD.VN - Được quyền tăng giá sữa dưới 5% nhưng doanh nghiệp lại băn khoăn không biết phải báo cáo về hệ thống đại lý thế nào với cơ quan quản lý.

Người tiêu dùng sẽ tham gia giám sát giá sữa

Từ ngày 10-8, Thông tư 08/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương về quản lý giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ có hiệu lực. Tuy nhiên, đến thời điểm này, một số địa phương và doanh nghiệp vẫn cho rằng khó thực hiện một số quy định tại thông tư này.

Khó kiểm soát hệ thống phân phối

Ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, một nội dung quan trọng của Thông tư 08 là doanh nghiệp được quyền chủ động điều chỉnh giá sữa trong biên độ 5%. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải gửi thông báo điều chỉnh giá cho cơ quan quản lý Nhà nước theo phân cấp để cơ quan này cập nhật được giá hàng hóa, đồng thời phải khai báo về hệ thống phân phối để cơ quan quản lý giám sát giá bán trên thị trường.

Về vấn đề này, đại diện doanh nghiệp cho rằng, chưa rõ sẽ phải khai báo hệ thống phân phối đến cấp nào. “Là nhà phân phối, chúng tôi chỉ bán cho đại lý cấp 1, nhưng đại lý cấp 1 lại bán hàng cho đại lý nhỏ hơn, thậm chí cả cửa hàng bán lẻ… Doanh nghiệp nếu phải khai báo hết như vậy rất phức tạp, chưa kể đại lý cấp thấp hoạt động không ổn định, có thể bổ sung hoặc rút bỏ hàng ngày”- đại diện doanh nghiệp nói.

“Thông tư 08 tập trung vào việc quản lý giá bán lẻ hàng hóa do đây mới là mức giá mà người tiêu dùng được tiếp cận và cũng chính là mục tiêu quản lý của Nhà nước đối với giá các mặt hàng nhạy cảm này. Chúng tôi cũng quy định cho phép doanh nghiệp kê khai các mức giá phù hợp với địa bàn phân phối theo khu vực địa lý nhất định hoặc theo đặc thù hoạt động phân phối” 

Ông Nguyễn Lộc An - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) 

Đồng quan điểm, đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương băn khoăn: “Tỉnh Hải Dương có tới một vạn cửa hàng sữa, nếu họ không kê khai nhưng vẫn bán hàng thì sao? Ngay cả khi kê khai, nếu xem xét rồi mới gửi lại thì sở không đủ người làm. Như vậy, UBND cấp tỉnh thẩm tra giám sát việc kê khai có cần phân công lại hay không, hay chỉ phân công các Sở Công Thương đề nghị phân cấp cho UBND huyện?”. Đại diện ngành Công Thương ở địa phương thừa nhận vẫn lúng túng trong việc phân biệt giữa sản phẩm sữa và sản phẩm chức năng dành cho trẻ dưới 6 tuổi do danh mục sản phẩm đến nay vẫn chưa được cập nhật chi tiết.

Sẽ hiệu quả hơn?

Giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp, đại diện Bộ Công Thương cho hay, sản phẩm sữa là một ngành kinh doanh có điều kiện, vì thế, việc nắm được đường đi của sản phẩm mình phân phối ra sao là trách nhiệm của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể không nắm được các đại lý bán lẻ của mình. Việc báo cáo cập nhật là cần thiết và tạo điều kiện để cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện công tác quản lý hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Văn Dũng - đại diện Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, đơn vị này sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về danh mục sản phẩm sữa. Tới đây, sẽ công bố danh mục gồm sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ dưới 6 tuổi. Tuy nhiên, đối với sản phẩm sữa bình thường thì không ghi công dụng, đối tượng nên để xác định độ tuổi là khó.

Về nguyên tắc, không ghi đối tượng thì phải đưa vào nên tạo ra số lượng khổng lồ các sản phẩm sẽ phải thực hiện chính sách này. Rõ ràng, đối tượng chúng ta muốn kiểm soát là các loại sữa cải thiện tầm vóc trẻ, chủ trương đúng nhưng có vấn đề là nâng lên số lượng sản phẩm phải đăng ký rất lớn, liệu cơ quan kiểm soát có thực hiện được không? Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý khó kiểm soát giá bán lẻ doanh nghiệp đăng ký, dẫn đến gian lận, kê khai giá cao hơn quy định. 

Theo đại diện Bộ Công Thương, để kê khai hay đăng ký giá, các yếu tố hình thành giá phải mang tính hợp lý. Ngoài Bộ Công Thương còn có các bộ, ngành khác như: Y tế, Hải quan… cùng phối hợp kiểm soát. Tới đây, Bộ Công Thương sẽ công khai trên website của Bộ về doanh nghiệp, mức giá để cộng đồng cùng kiểm tra, giám sát.