Từ năm 2018, doanh nghiệp sẽ không được vay ngoại tệ?

ANTD.VN - Thông tư 31 về quy định cho vay bằng ngoại tệ sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12-2017. Nếu không tiếp tục được gia hạn thì kể từ đầu năm 2018, các doanh nghiệp sẽ không được vay ngoại tệ mà sẽ phải chuyển sang quan hệ mua - bán. 

Từ năm 2018, doanh nghiệp sẽ không được vay ngoại tệ? ảnh 1Ngân hàng Nhà nước chưa thông tin chính thức về việc có gia hạn cho vay ngoại tệ hay không

Mấy năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần gia hạn thời gian cho phép doanh nghiệp vay ngoại tệ. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, nhiều lần Ngân hàng Nhà nước muốn chấm dứt cho vay ngoại tệ nhưng do yêu cầu thực tế nên cơ quan này đã phải nới thời hạn. 

Theo Phó Thống đốc, trên thực tế, đúng là có những doanh nghiệp thuộc đối tượng ưu tiên, cần phải cho vay bằng ngoại tệ, song cũng có một số doanh nghiệp thực chất không có nhu cầu vay ngoại tệ, không thuộc nhóm doanh nghiệp cần được ưu tiên nhưng vẫn được hưởng chung sự ưu đãi của chính sách vay ngoại tệ. Do vậy, thời gian tới, quy định cho vay ngoại tệ sẽ được siết lại, trước mắt là với một số đối tượng doanh nghiệp lợi dụng chính sách cho vay ngoại tệ. Đồng thời, cần chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.

Hiện nay, lãi suất cho vay USD tại các ngân hàng đang phổ biến ở mức 2,8 - 6%/năm tùy kỳ hạn. Trong khi đó, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường bằng VND ở mức 6,8 - 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với kỳ hạn trung và dài hạn. 

Như vậy, nếu được vay ngoại tệ, các doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất cho vay USD/VND. Giám đốc một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản cho hay, việc Ngân hàng Nhà nước cho phép vay ngoại tệ giúp các doanh nghiệp giảm bớt chi phí vốn. 

Cụ thể, doanh nghiệp có thể vay ngoại tệ với lãi suất thấp rồi bán lấy tiền đồng để mua máy móc, thiết bị, nguyên liệu trong nước. Sau đó, doanh nghiệp lại xuất khẩu hàng hóa lấy ngoại tệ để trả nợ ngân hàng. Nếu thời gian tới không được vay ngoại tệ, doanh nghiệp sẽ phải vay bằng tiền đồng với lãi suất cao hơn, hoặc phải bỏ tiền mua ngoại tệ nếu cần sẽ khiến chi phí tăng lên.

Tuy nhiên, nếu việc cho vay ngoại tệ dừng đột ngột sẽ khiến nhiều doanh nghiệp bị “sốc”. Do đó, cần có những quy định cụ thể để kiểm soát đối tượng vay phù hợp, thay vì cấm tất cả doanh nghiệp vay. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, để kiểm soát những doanh nghiệp lợi dụng chính sách cho vay ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước nên đưa ra những quy định như chỉ cho vay đối với các doanh nghiệp xuất khẩu có ít nhất 50% hay 75% doanh thu bằng ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước cũng nên gia hạn chương trình vay ngoại tệ thêm khoảng 1 năm nữa thay vì dừng đột ngột vào ngày 31-12 tới.