Tranh cãi quanh đề xuất đánh thuế tiền lãi tiết kiệm

ANTD.VN - Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico) đề xuất nên đánh thuế những khoản lãi tiết kiệm đạt cao hơn hai lần mức thuế khởi điểm (tính theo năm) của thu nhập cá nhân tính thuế (khoảng trên 200 triệu đồng/năm).

Đề xuất đánh thuế tiền lãi tiết kiệm đang gây nhiều tranh cãi

Đánh thuế khoản gửi tiết kiệm gần 3 tỷ đồng

Theo luật sư Trương Thanh Đức, con số này dựa trên mức thu nhập từ lãi tiết kiệm cao hơn hai lần mức thuế khởi điểm (tính theo năm) của thu nhập cá nhân tính thuế. Với quy định hiện nay, mức thuế khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (tính theo năm) là 108 triệu đồng và dự kiến tăng lên 120 triệu đồng vào năm 2019. Như vậy, nếu một khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm của một cá nhân tới hơn 200 triệu đồng (240 triệu đồng vào năm 2019) thì nên đánh thuế. 

Với mức lãi suất huy động kỳ hạn một năm hiện khoảng 6-7% một năm, để thu về khoản lãi 200 triệu đồng một năm từ tiền tiết kiệm, khách hàng phải gửi tiết kiệm gần 3 tỷ đồng. 

Nói về lý do của đề xuất trên, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, hiện nay, chính sách, pháp luật thuế còn nhiều bất cập. Cụ thể, theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân thì khoản thu nhập từ đầu tư vốn, bao gồm: Tiền lãi cho vay, lợi tức cổ phần và thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác (trừ thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ), đang bị đánh thuế 5%. Trong khi đó, quy định về “Thu nhập được miễn thuế” cũng của luật này lại quy định “Thu nhập từ lãi tiền gửi tại tổ chức tín dụng” được miễn thuế.

“Điều đó có nghĩa là, cá nhân thu một đồng lãi từ việc cho vay công ty, pháp nhân, cá nhân khác hay được chia cổ tức đều bị đánh thuế 5%, trong khi thu lãi tiền gửi ngân hàng thì không phải nộp thuế trong mọi trường hợp, dù là thu lãi hàng chục tỷ đồng” - vị luật sư phân tích.

Ý kiến trái chiều

Đề xuất trên của luật sư Trương Thanh Đức đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Đại diện một ngân hàng thương mại cho rằng, trong bối cảnh các ngân hàng đang đẩy mạnh huy động vốn, nhất là nguồn vốn lớn, vốn trung, dài hạn nhằm phục vụ mục tiêu tăng trưởng tín dụng, đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh thì đề xuất trên sẽ gây khó cho các ngân hàng. “Việc đánh thuế tiền lãi tiết kiệm cũng tương tự như giảm lãi suất, khi đó, người có tiền sẽ đắn đo hơn khi gửi ngân hàng” - vị này nói.

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cũng cho rằng, đề xuất đánh thuế tiền lãi tiết kiệm thời điểm này là chưa phù hợp. Ông cho biết, việc đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm là bình thường ở những nước phát triển nhưng ở nước ta chưa nên đặt ra vì đây cũng không phải là nguồn thu quá quan trọng cho ngân sách, trong khi nếu không nghiên cứu đánh giá cẩn thận có thể còn gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế.

Đáp lại những lo lắng này, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng số tiền thu lãi từ tiền gửi tiết kiệm lên đến hàng trăm triệu đồng mới đánh thuế 5% thì không có gì bất hợp lý. Còn nếu vì đánh thuế 5% thu nhập tiền gửi tiết kiệm mà người giàu không gửi tiết kiệm, thay vào đó đầu tư góp vốn, mua cổ phần, trái phiếu, cho vay... thì quá tốt. “Tiền gửi ngân hàng thì mục tiêu cuối cùng cũng là cho vay sản xuất, kinh doanh mà thôi. Có đánh thuế 5% thì cũng chỉ dịch chuyển nhẹ nhàng và từ từ dòng tiền, chứ ai dại gì từ bỏ khoản lợi nhuận 95% còn lại” - ông nói.

Cũng ủng hộ đề xuất đánh thuế tiền lãi gửi tiết kiệm, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đã đến lúc Việt Nam nên nghiêm túc xem xét đề xuất này. Bởi việc đánh thuế với những khoản lãi tiết kiệm mang về thu nhập quá lớn là hợp lý và phù hợp với quốc tế.

“Khi tiền gửi phát sinh lợi tức mới, thì lợi tức này phải chịu thuế. Lợi tức này cũng giống như những thu nhập cá nhân khác như lương hay thu nhập từ kinh doanh phải chịu thuế. Đó là sự công bằng và phần lớn các quốc gia đều áp thuế trên tiền gửi ngân hàng, được xem là thu nhập từ việc gửi tiền vào ngân hàng để lấy lãi”. Ông cũng đồng tình với mức thuế suất khoảng 5% để tránh gây tác động tiêu cực cho nền kinh tế.