Tiền tiết kiệm sau Tết, gửi ngân hàng nào lợi nhất?

ANTD.VN - Thời điểm trước và sau Tết nguyên đán, một số ngân hàng có điều chỉnh nhẹ lãi suất một số kỳ hạn, cùng với đó là các chương trình khuyến mại hấp dẫn đã ngày càng nới rộng khoảng cách lãi suất giữa các ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ.

Thời điểm sau Tết nguyên đán là lúc dòng tiền nhàn rỗi của người dân quay trở lại các kênh đầu tư. Gửi tiết kiệm là một lựa chọn của rất nhiều khách hàng cá nhân.

Theo khảo sát của phóng viên thời điểm trước và sau Tết nguyên đán, một số ngân hàng có điều chỉnh nhẹ lãi suất một số kỳ hạn, cùng với đó là các chương trình khuyến mại hấp dẫn. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn "bình chân như vại", khiến mặt bằng lãi suất có sự phân hóa khá lớn ở hai nhóm ngân hàng này.

Nhóm 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước là Ngân hàng Công thương (Vietinbank), Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) lãi suất các kỳ hạn không quá 7%/năm, trong khi một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, lãi suất có thể lên đến 8,5%; thậm chí 8,8%/năm với chứng chỉ tiền gửi.

Đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất cao nhất đang thuộc về Ngân hàng Bản Việt khi trả lãi tới 7,4%/năm đối với khách hàng lĩnh lãi cuối kỳ. Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank) với lãi suất lên tới 7,35%/năm. Ngân hàng Bắc Á áp dụng lãi suất 7,2%. Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cũng áp dụng lãi suất lên tới 7,1% cho kỳ hạn này đối với khách hàng lĩnh lãi hàng tháng kể từ đầu tháng 2/2018.

Các ngân hàng nhỏ đang có mức lãi suất hấp dẫn hơn hẳn

Ở khung lãi suất 6,8-7%/năm có một số ngân hàng như Đông Á (DongABank) 6,9%; Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) 6,8%; Việt Nam Thương tín (Vietbank) 7,0%...

Giữ mức lãi suất thấp nhất đối với kỳ hạn này là Vietcombank 5,2%/năm, BIDV và Vietinbank đang giữ mức lãi suất 5,3%/năm…

Đối với kỳ hạn 9 tháng – 1 năm, mức lãi suất lên đến 8%/năm đang được Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVComBank) áp dụng đối với khách hàng lĩnh lãi cuối kỳ. Tiếp theo là Ngân hàng Quốc tế (VIB) 7,9%/năm; Ngân hàng Việt Á (VietABank) và Ngân hàng Quóc dân (NCB) cùng có mức lãi suất 7,6%/năm…

Techcombank, Vietinbank duy trì lãi 6,8%/năm; Techcombank 6,4%/năm; Vietcombank 6,5%/năm…

Với kỳ hạn trung và dài hạn như từ 24-60 tháng, một số ngân hàng cổ phần nhỏ như NCB, VietABank, Eximbank, BacABank, VietcapitalBank… cũng đang giữ mức lãi suất cao nhất lên tới 8%. VietcapitalBank thậm chí còn trả lãi suất lên tới 8,5% với kỳ hạn 18 tháng, 8,3% với kỳ hạn 15 tháng dành cho khách hàng lĩnh lãi cuối kỳ.

Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước áp dụng mức lãi suất chỉ khoảng dưới 6,9% cho các kỳ hạn dài.

Có thể thấy các ngân hàng tư nhân đa phần đang nhắm đến đối tượng khách hàng cá nhân nên thường thiết kế các gói tiết kiệm lãi suất tối ưu. Với những khách hàng VIP, ngân hàng còn linh động cộng thêm 0,1-0,2%.

Ngoài ra, các ngân hàng còn đẩy mạnh huy động nguồn vốn trung và dài hạn thông qua chứng chỉ tiền gửi. VPBank phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao nhất lên đến 8,7%/năm dành cho kỳ hạn 60 tháng và mức tiền hơn 10 tỷ đồng. SHB dành mức lãi suất lên đến 8,6-8,8%/năm cho chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 6 năm -8 năm…

Cuộc đua tăng lãi suất thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán đã khiến khoảng cách lãi suất giữa các ngân hàng tư nhân và Nhà nước ngày càng nới rộng. Bên cạnh thu hút khách hàng bằng lãi suất, nhiều ngân hàng còn triển khai các chương trình khuyến mãi, tặng quà. Các ngân hàng nhỏ đã tranh thủ dịp Tết này để “ghi điểm” với khách hàng bằng các chương trình tặng lì xì, tặng tiền mặt, quà tặng hấp dẫn…

Các chuyên gia cho rằng, thời điểm này việc gửi tiết kiệm ở những ngân hàng nhỏ vẫn có lợi và an toàn đối đối với người gửi tiền. Dù khách hàng có lo lắng khi Nhà nước cho phép phá sản ngân hàng nhưng trên thực tế, một ngân hàng từ diện bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt cho đến khi phá sản là cả một quá trình được kiểm soát kỹ lưỡng.