Thương mại điện tử Việt Nam, cuộc chơi cũng mới chỉ bắt đầu

ANTD.VN - Quảng cáo trực tuyến, mua bán hàng qua mạng, kinh doanh các sản phẩm số, thanh toán trực tuyến là những hoạt động mới chỉ xuất hiện vài năm gần đây thông qua thị trường thương mại điện tử (TMĐT). Với tốc độ phát triển chóng mặt, đây được xem là "mảnh đất" tiềm năng, tạo cơ hội kinh doanh phẳng, tuy nhiên ứng dụng hoạt động kinh doanh mới này cũng đặt ra những thách thức để thích nghi với xu hướng kinh doanh toàn cầu.

Mở rộng cánh cửa kinh doanh

Hiện nay, không gian số hoá của TMĐT cho phép thực hiện các giao dịch nội địa và xuyên quốc gia tạo nên lợi ích hai chiều, cho phép doanh nghiệp vượt biên giới để tiệp cận khách hàng toàn cầu và ở chiều ngược lại, người tiêu dùng được tiếp cận thị trường hàng hóa quốc tế. TMĐT là cơ hội cho các doanh nghiệp và cá nhân cung ứng hàng hóa với xu hướng tối thiểu chi phí và không giới hạn về không thời gian. Người tiêu dùng có thể mua hàng ở bất cứ nơi đâu chỉ với chiếc máy tính có kết nối internet với giá cả cạnh tranh.

Hiện nay, khoảng 45% tổng dân số Việt Nam đang sử dụng internet, đứng thứ 17 trên thế giới. Nhờ vậy, tốc độ tăng trưởng hàng năm của TMĐT Việt Nam đã đạt tới 22%. Các chuyên gia dự tính đến năm 2020, quy mô của thị trường này có thể đạt tới 10 tỷ USD. Như vậy, đây là thị trường khổng lồ cho các hoạt động mua bán nội địa.

Hoạt động kinh doanh TMĐT có nhiều điểm lợi thế hơn hẳn so với thương mại truyền thống như không giới hạn không thời gian, vị trí, giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu và có thể thực hiện giao dịch 24/24. Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhìn nhận, trước kia khi mở cửa hàng chỉ cần có vị trí đẹp là thắng nhưng bây giờ câu chuyện đã khác khi có tới hơn 40 triệu người sử dụng internet, một số ngành kinh doanh như bán lẻ mà không đầu tư thỏa đáng cho TMĐT sẽ mất đi khách hàng.

TMĐT cũng là cánh cửa để doanh nghiệp vươn tới những thương vụ kinh doanh quốc tế khi đây là kênh xuất khẩu trực tuyến đem đến cơ hội thành công cao. Mỹ và Nhật Bản là hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong nhiều năm qua, cũng là hai quốc gia ứng dụng TMĐT lớn nhất thế giới. Như vậy, Việt Nam đã có lợi thế sẵn ở hai thị trường này thì việc chọn cách tiếp cận qua TMĐT sẽ tiếp tục mở rộng thị trường.

Thực tế cho thấy các doanh nghiệp đầu tư vào TMĐT đa số đều có hoạt động kinh doanh khả quan. Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tính đến hết năm 2016, đã có tới 32% doanh nghiệp thiết lập quan hệ kinh doanh với các đối tác nước ngoài thông qua kênh trực tuyến. Trong đó, có tới 11% doanh nghiệp chọn tham gia các sàn thương mại điện tử.

Khó khăn trong quản lý

Một trong những hạn chế trên thị trường kinh doanh TMĐT hiện nay của nước ta là những khó khăn trong việc quản lý hoạt động giao dịch TMĐT bao gồm quản lý đối tượng tham gia mua bán, quản lý kê khai doanh thu, chi phí, quản lí thuế về TMĐT từ đó dẫn đến nhiều bất cập như hành vi xâm phạm nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ trên các trang TMĐT.

Theo các chuyên gia, có ba nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ cả phía doanh nghiệp cũng như bên cơ quan quản lý. Thứ nhất, mặc dù hoạt động TMĐT khá sôi nổi nhưng kiến thức của nhiều người về bản chất TMĐT còn mơ hồ, số lượng doanh nghiệp đăng ký, thông báo theo quy định khi tham gia TMĐT còn rất thấp.

Thứ hai, bản chất của TMĐT là hoạt động mở mà nguồn lực quản lý hiện nay của nước ta còn nhiều hạn chế, nhiều hoạt động không thể thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát, phương thức mua bán, thanh toán linh hoạt dẫn đến tình trạng thị trường hoạt động còn mang tính tự phát. Thứ ba, kinh doanh TMĐT chỉ mới phổ biến ở nước ta chưa lâu vì vậy hệ thống pháp lý về thương mại điện tử chỉ mới được áp dụng từ năm 2007 đến nay và chưa hoàn thiện.

 

Ngoài ra, khó khăn trong thanh toán trực tuyến cũng là một rào cản khiến nhiều doanh nghiệp chưa phát huy tối đa thế mạnh của loại hình này. Theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện các website của các DN Việt Nam chủ yếu dùng để giới thiệu sản phẩm và dịch vụ, khoảng trên 20% số website nhận đặt hàng qua mạng internet, song chỉ có 3,2% cho phép thanh toán trực tuyến. Đây là một rào cản lớn nhất đối với phát triển TMĐT.

Như vậy, tiềm năng của thị trường TMĐT ở nước ta rất lớn, tuy nhiên đây không hẳn là miếng mồi ngon mà là con dao hai lưỡi thách thức các nhà quản lý và doanh nghiệp. Để tận dụng được cơ hội trên đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau từ phía doanh nghiệp và nhà nước.