Thịt lợn Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu sang Trung Quốc

ANTD.VN - Dự kiến năm 2017, Việt Nam xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 2,4 triệu con lợn (giảm 80% so với năm 2016), con số này có thể giảm sút nếu tình hình không khả quan.

Thịt lợn Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu sang Trung Quốc ảnh 1

Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu thịt lợn vào các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam do Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay (ngày 20-10).

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho hay, mỗi năm, ngành nông nghiệp Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch trên 30 tỷ USD với 10 ngành hàng chủ lực. Tuy nhiên, nhưng sản phẩm ngành chăn nuôi lại chưa góp mặt trong kim ngạch xuất khẩu mặc dù Việt Nam là quốc gia có tiềm năng chăn nuôi lớn với năng suất sản xuất 27,5 đến 28 triệu con lợn, 300 triệu con gia cầm, 0,5 triệu bò sữa…

Theo các chuyên gia, việc xuất khẩu thịt lợn Việt Nam sang các nước, từ nhiều năm nay, vẫn chưa có sự đột phá nào. Phần lớn lợn nuôi được, chủ yếu là xuất khẩu lợn hơi sang Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch. Có thể nói, tình hình xuất khẩu thịt lợn của Việt Nam hiện tại, hoàn toàn không tương xứng với tiềm năng sản xuất.

Điều này cũng được chỉ ra tại báo cáo do Hãng nghiên cứu toàn cầu (IBC) thực hiện. Cụ thể, trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đạt gần 12 triệu con lợn (33.000 con/ngày). Dự kiến năm 2017, Việt Nam xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc khoảng 2,4 triệu con (giảm 80% so với năm 2016) và con số này có thể giảm về mức 1,17 triệu con nếu tình hình không khả quan. Trong khi xuất khẩu thịt lợn theo đường chính ngạch của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Nhìn nhận về triển vọng xuất khẩu sản phẩm chăn nuối của Việt Nam, đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, cơ hội xuất khẩu của Việt Nam đã tới. Việt Nam hiện đã ký được hiệp định thương mại với 12 nước.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm giá thành, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đảm bảo an toàn vệ sinh dịch bệnh. Những yếu tố đó đòi hỏi ngành Chăn nuôi phải tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm.

Chia sẻ về cơ hội xuất khẩu, ông Vũ mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn cho biết: “Hiện đã có doanh nghiệp Hà Lan sang tìm hiểu chuỗi quy trình liên kết và bàn thảo vấn đề nhập khẩu. Dự kiến khi tiến hành, mỗi năm chúng tôi sẽ xuất khẩu 10.000 tấn thịt lợn sang thị trường Hà Lan”.

Ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus Châu Á chỉ rõ, Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu thịt lợn vào các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Trước hết, 3 quốc gia này có vị trí địa lý gần với Việt Nam và nhu cầu nhập khẩu thịt lợn nằm trong top nhiều nhất trên thế giới. Hiện nay, Trung Quốc đang nhập khẩu 2,2 triệu tấn thịt heo mỗi năm, Nhật Bản 1,3 triệu tấn và Hàn Quốc gần 1 triệu tấn.

Điều đáng nói là hầu hết các quốc gia nhập khẩu đều yêu cầu thịt lợn xuất khẩu phải có nguồn gốc từ quốc gia/vùng xuất khẩu không có bệnh lở mồm long móng và được công nhận. Tuy nhiện, do chưa được công nhận sạch bệnh lở mồm long móng nên Việt Nam đang bỏ lỡ rất nhiều thị trường tiềm năng.

Đại diện nhiều doanh nghiệp khuyến cáo, ngoài việc xây dựng cả quốc gia đảm bảo không có bệnh lở mồm long móng, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh, chia nhỏ theo khu vực để tạo thành các vùng an toàn dịch bệnh.

Ngoài ra, Cục thú y Việt Nam cũng cần hợp tác, xúc tiến, xây dựng kế hoạch, phương án về an toàn dịch bệnh với các đối tác nước ngoài để các doanh nghiệp ở cùng an toàn dịch bệnh có thể tự tin xuất khẩu thịt ra nước ngoài.