Thiếu tiền nên không xử lý được dự án nghìn tỷ thua lỗ?

ANTD.VN - Mặc dù Bộ Công Thương đã thống nhất phương án xử lý 5 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành dầu khí, song đến nay, mọi việc vẫn “chưa có chuyển biến gì”.

Bộ Công Thương vừa có cuộc họp khẩn với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) về việc xử lý 5 dự án thua lỗ thuộc ngành dầu khí. Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, không đổ thêm tiền Nhà nước vào cứu các dự án này và cần ưu tiên phương án khởi động lại dự án.

Thiếu tiền nên không xử lý được dự án nghìn tỷ thua lỗ? ảnh 1Vướng cơ chế, các dự án của PVN khó giải quyết thua lỗ

Thiếu tiền, giải thể cũng khó

Trong số 12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành Công Thương, PVN có tới 5 dự án, trong đó có 3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học ở Phú Thọ, Bình Phước và Quảng Ngãi, Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ và Nhà máy đóng tàu Dung Quất.

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc PVN cho biết, việc xử lý đối với các dự án ngành dầu khí hiện mới chỉ dừng ở việc thảo luận và “chưa có chuyển biến gì”. PVN đã có phương án, đề xuất cụ thể hướng xử lý đối với từng dự án, gửi Ban chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém ngành Công Thương và Bộ Công Thương nhưng do khách quan và chủ quan, vướng mắc tài chính nên công việc hiện nay chưa triển khai được nhiều. 

Theo PVN, có 3 nhóm vấn đề cần định hướng xử lý các dự án yếu kém. Thứ nhất là việc quyết toán hợp đồng EPC với dự án nhà máy nhiên liệu sinh học ở Phú Thọ và Quảng Ngãi, tuy đã có hướng xử lý nhưng để quyết toán hợp đồng cần sự chỉ đạo của Bộ Công Thương và Chính phủ, vì liên quan đến nguồn vốn vay từ ngân hàng. Mỗi dự án đều có đặc thù riêng, việc quyết toán liên quan đến đối tác nước ngoài, bên ngoài PVN, nên quá trình xử lý phụ thuộc nhiều đối tượng khác nhau. 

Thứ hai, với các dự án được khởi động lại như: nhà máy sơ xợi Đình Vũ, các nhà máy nhiên liệu sinh học… vấn đề vướng mắc là dòng tiền và chi phí đều không còn, trong khi để triển khai hoạt động lại cần tiền mà theo chủ trương, Nhà nước sẽ không rót thêm vốn vào các dự án này. Tương tự, vì lý do thiếu tiền nên với phương án cho dừng hoạt động để thanh lý nhà máy, chuyển nhượng hoặc phá sản, các dự án này cũng đòi hỏi phải có chi phí nhất định thuê công ty tư vấn, duy trì tài sản, bảo vệ, điện nước với thời gian 18 tháng đến 2 năm.

Bên cạnh khó khăn về tài chính, đại diện các tổ xử lý tồn tại của các dự án cũng cho hay, các dự án này hiện không thể vay được vốn ngân hàng do thua lỗ nặng nề. Việc mời gọi các đối tác nước ngoài vào cùng tháo gỡ khó khăn cho nhà máy cũng nan giải bởi nhiều đối tác không còn mặn mà, thậm chí đã không còn liên hệ. 

Cổ đông muốn góp vốn

Cũng theo đại diện PVN, những người trực tiếp tham gia xử lý các dự án đều muốn có tiền nhưng ngay trong nội bộ Tập đoàn cũng lo ngại sẽ vi phạm pháp luật khi sử dụng nguồn vốn của PVN, bởi PVN là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Điều này dẫn đến hệ quả là hầu hết dự án đều xin bán, chuyển nhượng vốn, thoái vốn nếu không có cơ chế xử lý.

Đại diện PVN cho biết, không phải Tập đoàn không làm mà đã chuẩn bị tất cả phương án và đều gặp khó khăn do nguyên tắc không được bỏ thêm vốn Nhà nước vào. Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ (PVTex) đã chuẩn bị những công việc liên quan đến các phương án được chỉ đạo, đó là chạy lại dự án, thoái vốn, cho phá sản.

Tuy nhiên, cần thống nhất cách hiểu về việc không cấp vốn Nhà nước cho các dự án bởi nếu không thì “anh em không dám làm”. “Nếu 2 cổ đông là PVN và Đạm Phú Mỹ được cấp bổ sung vốn cho khởi động lại PVTex thì đó là giải pháp tháo gỡ căn cơ bên cạnh hàng loạt cơ chế khác, tránh việc PVTex bị phá sản”, đại diện PVN bày tỏ. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng: “Trong trường hợp nếu thấy giải pháp nào tốt nhất cho dự án thì báo cáo cấp trên. Nếu bảo cứ theo luật mà làm thì có lẽ sẽ không cần chỉ đạo”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu PVN không phải sử dụng 100% vốn Nhà nước mà có nhiều nguồn khác nhau, nhưng quan điểm xử lý tất cả các dự án này là ưu tiên là khởi động lại dự án, sau đó mới thoái vốn. Với các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế công ty cổ phần thì họp cổ đông, bàn hướng tiếp tục bổ sung vốn để xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-7.

Bên cạnh khó khăn về tài chính, đại diện các tổ xử lý tồn tại của các dự án cũng cho hay, các dự án này hiện không thể vay được vốn ngân hàng do thua lỗ nặng nề. Việc mời gọi các đối tác nước ngoài vào cùng tháo gỡ khó khăn cho nhà máy cũng nan giải bởi nhiều đối tác không còn mặn mà, thậm chí đã không còn liên hệ.