Thị trường điện cạnh tranh vẫn chỉ có trong mơ

ANTĐ - Cả nước đang nóng, không chỉ nóng vì thời tiết mà còn nóng rực người lên khi cầm cái hóa đơn điện tháng 5 và cả tháng 6 nữa. 

Nó cao gấp rưỡi còn là mừng chứ thường nó gấp đôi, có khi đến gấp ba. Dĩ nhiên là ngành điện có lời giải thích ngay và đương nhiên lời giải thích là hợp lý. Mà không hợp lý làm sao được. Có nhõn một cái EVN bán điện, ông thích cãi, không dùng điện thì…dùng đèn dầu(!). Chính vì sự nóng ấy, việc xây dựng một thị trường điện cạnh tranh càng được quan tâm.

Một hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 1-7 và trước đó, đầu tháng 6, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành liên quan về vấn đề phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Nhưng cái thị trường điện cạnh tranh nó đang ở đâu? Lộ trình cải cách thị trường điện Việt Nam do Bộ Công thương đề xuất gồm 4 giai đoạn. Cụ thể, từ năm 2010 cho phép các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân tham gia sản xuất điện để bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh (2011-2014); phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh (2015-2022) và tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (sau 2022).

Như vậy là chúng ta đang ở đoạn thứ hai, đoạn xây dựng thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Và cho đến tháng 7-2015, theo EVN chúng ta sẽ được xem thiết kế đầu tiên của thị trường bán buôn này. Chưa nhìn thấy thiết kế, nhưng các chuyên gia lo lắng lắm. Ngành điện đang đóng hai vai, nhà sản xuất, kinh doanh và trực tiếp phân phối và là chủ sở hữu phần lớn cơ sở sản xuất điện năng và tất cả hệ thống trung chuyển và phân phối. Nếu như không thay đổi cơ chế, thay đổi thị trường, đặc biệt là chức năng của EVN mà chỉ thay đổi kỹ thuật thì không thể giải quyết được tận gốc vấn đề.

Trên thực tế, Bộ Công thương vừa là chủ sở hữu, quản lý Nhà nước, lại là người giám sát rõ ràng ông đá bóng và thổi còi. Lưu ý, từ trước tới nay, Bộ Công thương chưa bao giờ từ chối việc nâng giá điện của EVN. EVN là Bộ Công thương và Bộ Công thương là EVN. Vừa rồi, một lãnh đạo ở EVN được chuyển về làm Thứ trưởng Công thương, thế thì Cục Quản lý Cạnh tranh trong Bộ sẽ không còn can thiệp gì vào ngành điện được nữa. 

Thôi, chuyện của 7 năm nữa, đến tận 2022 may ra mới có một đối tượng nào đó cung cấp điện để người tiêu dùng có thể chọn lựa được người bán điện cho mình, còn bây giờ cái hóa đơn điện đang nóng quá. Không có một nước nào trên thế giới, không có mặt hàng nào trên thị trường như ở nước ta, càng dùng nhiều giá càng đắt. Đó là biểu hiện của sự thiếu điện năng nghiêm trọng. Việc tính giá điện lũy tiến theo tiêu thụ đang đẩy khó cho người dân, cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp thép, xi măng chết dở vì nhà máy phải vận hành liên tục vì nếu dừng là chi phí để tái vận hành rất lớn. Với cách này, năm tới chúng ta tham gia hàng loạt các thị trường thương mại tự do, không hiểu sản xuất trong nước sẽ ra sao. Vâng, chúng ta còn thiếu điện, phải chấp nhận tiết kiệm thôi. Hỡi ơi. Quanh đi quanh lại vẫn mơ một thị trường điện cạnh tranh.