Thay đổi số ngày tính lãi ngân hàng trong năm

ANTD.VN - Dự thảo Thông tư hướng dẫn phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng quy định số ngày cơ sở để tính tiền lãi theo lãi suất %/năm là 365 ngày. 

Thực tiễn cho thấy, trong khoảng 5 năm trở lại đây đã phát sinh một số tranh chấp giữa tổ chức tín dụng (TCTD) với khách hàng liên quan đến phương pháp tính lãi. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xem xét xây dựng lại quy định về cách tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa các TCTD với khách hàng, do phát sinh bất cập.

Thay đổi số ngày tính lãi ngân hàng trong năm ảnh 1Theo quy định đang được bàn thảo, một năm sẽ tính lãi 365 ngày thay vì 360 ngày như các ngân hàng hiện áp dụng

Một năm tính lãi 365 ngày

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán (NHNN) cho biết, hiện nay, các TCTD đang áp dụng phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi theo Quyết định 652/2001/QĐ-NHNN. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển dịch vụ của các TCTD cũng như sự thay đổi của một số văn bản quy phạm pháp luật như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Kế toán năm 2015, một số quy định của Quyết định 652 đã không còn phù hợp.

Một vướng mắc nổi bật là quy định về số ngày trong một năm tại Quyết định 652 chưa thống nhất với Bộ luật Dân sự hiện hành và số ngày thực tế trong năm. Cụ thể, điều 9 Quyết định 652 quy định cứng thời gian chuẩn để tính lãi theo năm được quy ước là “một năm có 360 ngày”. Còn điểm a khoản 1 điều 146 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hạn, thời điểm tính thời hạn “một năm là 365 ngày”; và ngày thực tế theo lịch thì trong một năm là 365 ngày hoặc 366 ngày (đối với năm nhuận).

Trên thực tế, hoạt động thu, trả lãi từ hoạt động cấp tín dụng và nhận tiền gửi tại các TCTD đang thực hiện không thống nhất. Có TCTD thực hiện tính, thu/trả lãi trên số ngày thực tế theo lịch (365 ngày hoặc 366 ngày), nhưng khi quy đổi lãi năm thỏa thuận trên hợp đồng về lãi suất ngày thì tính trên số ngày quy ước là 360 ngày.

NHNN cho biết, sự không thống nhất trên dẫn đến tình trạng vướng mắc khó giải quyết, thậm chí dẫn đến khiếu nại kéo dài giữa khách hàng và TCTD về việc áp dụng số ngày trong một năm để tính, thu/ trả lãi. 

“Cuối năm 2016, NHNN đã ban hành Thông tư 38/2016/TT-NHNN quy định phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi trong hoạt động nhận tiền gửi và cho vay giữa NHNN Việt Nam với TCTD và các tổ chức khác, đồng thời cũng đã sửa một phần Quyết định 652. Nhưng trước yêu cầu thực tiễn, NHNN đang trong quá trình xây dựng Thông tư mới để hướng dẫn phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa TCTD với khách hàng” - ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết. Trong dự thảo Thông tư lần này, NHNN quy định công thức tính lãi sẽ áp dụng số ngày cơ sở để tính tiền lãi theo lãi suất %/năm là 365 ngày. 

Khó khăn khi áp dụng?

Tuy nhiên, theo đại diện một số ngân hàng, việc thay đổi số ngày tính lãi trong một năm từ 360 ngày chuyển sang 365 ngày có thể sẽ khiến một số ngân hàng gặp khó khăn. Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, giả sử Thông tư này có hiệu lực từ đầu năm 2018 thì những khoản tiền gửi hợp đồng trước thời hạn Thông tư có hiệu lực sẽ được xử lý thế nào? Và liệu khi đã sửa phần mềm thì có song hành 2 cách theo dõi hợp đồng ký của những năm trước đó hay không?

Về vấn đề này, theo Ban soạn thảo Dự thảo, số ngày tính lãi trong một năm là 365 ngày đã được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 và cũng đã được quy định cụ thể tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay. Quy định này là đảm bảo tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như phù hợp với thực tiễn hoạt động của ngân hàng; xử lý được các vướng mắc với khách hàng trong thời gian qua. Thực tế, khi tham khảo các nhà làm luật cũng cho thấy có tới 2/3 các nước theo chuẩn lấy ngày tính lãi trong một năm là 365 ngày.

Một trong những điểm nữa của dự thảo Thông tư là quy định phương pháp tính lãi, quy định về quyền và trách nhiệm của bên trả lãi. Quy định này yêu cầu các TCTD phải trả đủ gốc và lãi đúng hạn kể cả trong nhiều trường hợp TCTD là bên nhận lãi hay bên trả lãi thì phải thông báo cụ thể đến khách hàng rõ ràng, minh bạch lãi suất quy đổi về lãi suất tính theo năm là 365 ngày quy định tại Điều 4 thì lãi suất là bao nhiêu, nhằm tránh những tranh chấp về lãi suất giữa TCTD với khách hàng.

Khẳng định việc cần thiết ban hành Thông tư về phương pháp tính lãi, tuy nhiên đại diện các ngân hàng thương mại cũng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thời gian Thông tư có hiệu lực bởi các ngân hàng cần thời gian chỉnh sửa phần mềm để đáp ứng các quy định của thông tư mới.