Tháo nút thắt cho vay nông nghiệp

ANTĐ - Phản ánh từ nhiều ngân hàng cho biết, một trong những vướng mắc lớn nhất trong hoạt động cho vay nông nghiệp là người dân không có tài sản thế chấp. Vì vậy, Nghị định 55/2015/NĐ-CP ra đời với nhiều chính sách hỗ trợ như mở rộng đối tượng được vay vốn ưu đãi, tăng hạn mức cho vay tín chấp đang từng bước tháo gỡ những nút thắt.

Tháo nút thắt cho vay nông nghiệp ảnh 1Nhiều mô hình làm ăn hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng nông nghiệp

Tiếp cận vốn dễ hơn

Mặc dù mới triển khai được hơn 4 tháng, nhưng Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã đi vào cuộc sống giúp người dân thiếu vốn sản xuất, kinh doanh được tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn. Điểm mới trong chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định mới là đối tượng được vay vốn nông nghiệp ưu đãi sẽ được mở rộng hơn, mức cho vay cũng được nâng lên gấp 1,5-2 lần. Đặc biệt, hạn mức cho vay tín chấp cũng được tăng mạnh. 

Ngoài ra, cá nhân, hộ gia đình sản xuất - kinh doanh nông nghiệp có thể được vay 50-100 triệu đồng, hộ nuôi trồng thủy sản được vay tín chấp tối đa 2 tỷ đồng. Riêng với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, các ngân hàng được phép cho vay tối đa 3 tỷ đồng không cần tài sản thế chấp. Bên cạnh đó, Nghị định 55/2015/NĐ-CP cũng khuyến khích tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao bằng việc cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70-80% giá trị dự án.

Theo các chuyên gia, Nghị định mới đã gỡ được nút thắt trong việc cấp tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Tách bạch trách nhiệm cho vay và hạn mức được vay cũng được tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn.

Là một trong những mô hình chăn nuôi gia cầm có hiệu quả trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội), ông Nguyễn Văn Chương (thôn Ngô Đạo, xã Tân Hưng) cho biết: “Ban đầu gia đình vay tín chấp từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) số vốn 50 triệu đồng. Mới đây, hạn mức vay tín chấp được mở rộng nên gia đình tiếp tục vay 100 triệu đồng để phát triển chăn nuôi”. 

Sẵn sàng nguồn vốn

Đánh giá về hiệu quả nguồn vốn cho vay dành cho bà con nông dân, bà Trịnh Thị Loan - Giám đốc Phòng giao dịch Nỷ (Chi nhánh Agribank Sóc Sơn) cho biết: “Nguồn vốn vay đã được bà con nông dân sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả tốt, góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong hộ gia đình và tạo nguồn thu nhập”. 

Các chuyên gia cho rằng, sự ra đời của Nghị định số 55 là cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng, cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp tăng sức đầu tư vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới. Đây sẽ là cú hích đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gia tăng sức cạnh tranh góp phần phát triển bền vững ngành nông nghiệp, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân vùng nông thôn.

Ông Phạm Toàn Vượng - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, Agribank đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn, đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Về vấn đề lãi suất, đại diện Agribank cho biết, theo dự kiến, lãi suất cho vay của Agribank trong tháng còn lại của năm và những tháng đầu năm tới sẽ không có điều chỉnh tăng, thậm chí có thể điều chỉnh giảm tùy thuộc vào tình hình thị trường. Đồng thời, Agribank sẽ tiếp tục có những gói tín dụng để hỗ trợ, kích cầu đối với những lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn.