Tháo gỡ "điểm nghẽn" vốn

ANTD.VN - Những tháng cuối năm là “mùa” làm ăn sôi động của các doanh nghiệp và cũng là “mùa” kinh doanh của các ngân hàng. Doanh nghiệp thì vẫn trong cơn “đói” vốn triền miên. Trong khi đó, trái với mong mỏi của doanh nghiệp, các ngân hàng khẳng định chỉ có thể giảm lãi suất vay với kỳ ngắn hạn, với một số lĩnh vực ưu tiên.

Hiện nay, ngoài nhu cầu vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cuối năm, nhiều doanh nghiệp còn muốn đầu tư thêm máy móc, công nghệ, tăng sức cạnh tranh thì phải vay trung-dài hạn.

Song với mức lãi suất 8,5%/năm trong năm đầu, từ năm thứ hai tăng lên 10,1%/năm của một số ngân hàng quốc doanh, các doanh nghiệp chỉ dám vay cầm chừng vì lo sợ khó chi trả lãi và vốn. Chỉ cần trả lãi vay vượt mức 10%/năm là kinh doanh không có lãi. 

Theo các doanh nghiệp, nhiều ngân hàng nước ngoài cho vay lãi suất USD chỉ là 4,5%/năm nên doanh nghiệp các nước có lợi thế cạnh tranh hơn. Đương nhiên, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến kinh tế, “đồng tiền đi liền khúc ruột” nên ngân hàng phải “nắm đằng chuôi” để tránh rủi ro, đảm bảo an toàn cả hệ thống.

Tuy nhiên, không vì thế mà “trói buộc” doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản thế chấp, chưa có khả năng đáp ứng các điều kiện về đảm bảo tiền vay, nhưng lại có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. 

Không ít doanh nghiệp kêu trời vì đã đi gõ cửa nhiều ngân hàng mà chỉ nhận được cái “lắc đầu” vì tài sản lớn nhất là dây chuyền sản xuất và nhà xưởng đã được đem thế chấp cho một khoản vay dài hạn trước đó.

Ngay cả khi gõ cửa quỹ bảo lãnh tín dụng được coi là cầu nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp thì cũng vướng mắc nhiều thủ tục rắc rối, phức tạp, quỹ này cũng yêu cầu phải có tài sản thế chấp.

Từ khi có Quyết định 58/TTg, các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn được tổ chức bảo lãnh đứng ra vay vốn, thì buộc phải có tài sản thế chấp. Hơn thế, các quỹ bảo lãnh còn thẩm định, “soi xét” hồ sơ bên vay rất kỹ. Cụ thể là hồ sơ dự án phải đầy đủ các yếu tố pháp lý, báo cáo tài chính không có nợ...

Trần tình về vấn đề này, đại diện Quỹ bảo lãnh tín dụng cho biết, thực tế thời gian qua, quỹ này rất khổ sở vì phải xử lý các khoản nợ vay ngân hàng của các doanh nghiệp mà không trả được. Không chỉ phải xử lý và thu hồi nợ, mà cán bộ làm việc trong các quỹ bảo lãnh nếu để xảy ra nợ xấu có khả năng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Để tháo gỡ “điểm nghẽn” vốn cho doanh nghiệp, theo chuyên gia ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp, ngành ngân hàng nên thay đổi tư duy lối mòn. Thay vì ưu tiên số 1 là tài sản thế chấp, nên đặt lên hàng đầu việc đánh giá dự án của doanh nghiệp có khả thi hay không. Nếu khả thi thì cho vay vốn và theo sát doanh nghiệp, đồng hành giúp họ làm ăn có hiệu quả. Như vậy, lợi ích của đôi bên đều hài hòa, mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế.