Thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn xa vời?

ANTD.VN - Tính đến cuối năm 2016, các ngân hàng đã phát hành khoảng 111 triệu thẻ ATM, nhưng số lượng thẻ hoạt động chỉ khoảng 70 triệu thẻ. Doanh thu thanh toán thẻ chủ yếu vẫn là rút tiền từ các cây ATM chiếm tới 85%...

Thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức thanh toán chủ đạo của người dân tại các nước phát triển với tỷ lệ lên đến trên 90% tổng khối lượng giao dịch trong tiêu dùng. Tuy nhiên, ở nước ta, số lượng phát hành thẻ đạt được bước tăng vọt nhưng số lượng lại chưa đi cùng với sự thay đổi căn bản về chất lượng. 

Thẻ ngân hàng: Chỉ để rút tiền 

Mỗi tháng 1 lần, anh Trần Đức Cương - công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long đều đặn ra cây ATM rút tiền ngay sau khi tin nhắn điện thoại báo lương được “đổ” về tài khoản. Anh Trần Đức Cương cho biết, ngoài dùng thẻ ATM để rút tiền lương thì anh chưa từng thực hiện một giao dịch gì khác. Bản thân anh Cương cũng không thích việc công ty trả lương qua tài khoản.

“Lương công nhân không đáng là bao, mỗi lần có lương lại phải ra cây ATM để rút tiền. Có những lúc cao điểm như dịp lễ Tết, máy ATM quá tải phải xếp hàng, rồi nhiều khi mất công đi rút tiền nhưng ATM lại báo hết tiền. Chưa kể mỗi tháng ngân hàng lại trừ mất mấy nghìn tiền SMS banking, nếu lúc cần tiền mà không có cây ATM của ngân hàng ở gần, phải rút từ cây của ngân hàng khác mức phí có khi lên đến vài chục nghìn/lần”, anh Trần Đức Cương cho biết. 

Không thích dùng thẻ, đây là tâm lý chung của rất nhiều người dân hiện nay, điều này dẫn đến nghịch lý là số thẻ phát hành trung bình mỗi người cao nhưng sử dụng thực lại rất ít. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, chỉ riêng năm 2016, các tổ chức tín dụng đã phát hành thêm hơn 11 triệu chiếc thẻ ngân hàng, tương đương tăng 11,5% so với cuối năm 2016, đưa tổng số thẻ ngân hàng thời điểm cuối năm 2016 đạt 111 triệu thẻ.

Để phục vụ cho các giao dịch thanh toán thẻ, đến cuối năm 2016 cả nước đã có 17.472 chiếc máy ATM và số lượng POS/EFTPOS/EDC là 263.427 thiết bị.

Ngân hàng Nhà nước

Như vậy tính bình quân không phân biệt tuổi tác, địa phương thì mỗi người dân Việt Nam đang sở hữu hơn 1,15 chiếc thẻ ngân hàng. Do quy định hiện hành là người đủ 15 tuổi trở lên mới được phát hành thẻ nên số lượng thẻ mà mỗi người sở hữu trong thực tế cao hơn rất nhiều. Cụ thể, với khoảng 20 triệu người dân có tài khoản ngân hàng thì trung bình một tài khoản cá nhân có đến 4-5 thẻ.

Tuy nhiên, mặc dù số lượng thẻ tăng bình quân khoảng 20%/năm trong những năm gần đây nhưng số lượng thẻ hoạt động thực tế lại chỉ vào khoảng trên 70 triệu thẻ. 85% doanh thu thanh toán thẻ là rút tiền từ cây ATM, chỉ có 15% là doanh thu từ giao dịch thanh toán và các giao dịch phát sinh từ các điểm chấp nhận thanh toán thẻ. 

Người dân e ngại: Phí sử dụng cao

Theo các chuyên gia, hiện tỷ lệ thẻ hoạt động của các ngân hàng chỉ rơi vào khoảng từ 60-70%, tùy từng ngân hàng và từng loại thẻ. Trong khi đó, các ngân hàng lại đua nhau phát hành thẻ tín dụng. Có những ngân hàng đưa ra những khuyến mãi khủng như phát hành thẻ tín dụng quốc tế được tặng tiền vào tài khoản, tặng quà trị giá hàng triệu đồng, tặng tiền/ điểm tích lũy cho khách hàng giới thiệu thành công một người mở thẻ tín dụng, khoản tiền giao dịch cho khách hàng khi mua sắm bằng thẻ tín dụng....

Việc tăng số lượng phát hành thẻ tín dụng là một xu hướng tất yếu nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời hạn chế việc thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, việc phát hành ồ ạt thẻ tín dụng của các ngân hàng trong thời gian vừa qua cũng tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng cao khi mà các điều kiện đảm bảo an toàn đã bị nới lỏng quá mức.

Dù vậy, nhu cầu thanh toán qua thẻ cũng không đạt được tốc độ tăng trưởng tương đương, một phần do chi phí sử dụng thẻ còn khá cao. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước thì chi phí bình quân phát hành 1 thẻ vào khoảng 5USD, trong khi đó, chi phí phát hành thẻ bình quân trên thế giới khoảng 1USD/thẻ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây không phải là cản trở lớn vì hiện nay các loại phí phát hành, phí duy trì thẻ cơ bản chỉ có 4 - 5 loại, theo thông lệ quốc tế và cũng không phải vấn đề quá lớn đối với khách hàng. “Để duy trì thẻ cho khách hàng, ngân hàng cũng tốn rất nhiều chi phí, nào là công nghệ, nào là bộ phận mở tài khoản, bộ phận theo dõi thẻ, bộ phận trực 24/24h để giải đáp thắc mắc, xử lý những sự cố về thẻ cho khách...”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho biết. 

Có điều, thực tế tại Việt Nam khách hàng vẫn còn e ngại với mức chi phí khi sử dụng thẻ tín dụng. TS Bùi Quang Tín, trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết, hiện nay thẻ tín dụng nếu rút tiền mặt thì lãi suất thông thường khoảng 20-35% tùy theo ngân hàng, còn phí phải trả ngay là khoảng 4-5%. Nếu cà thẻ tại các máy cà thẻ (POS) thì sau 40 - 50 ngày, lãi suất được tính 20-35%.

“Đáng nói, ngay cả các điểm kinh doanh mặc dù có lắp máy POS nhưng bản thân họ cũng không thích dùng vì phải trả phí cho ngân hàng  đối với các thẻ quốc tế và phía ngân hàng sẽ phải trả lại cho phía nước ngoài. Mức phí này hiện dao động từ 1,5-1,8% là khá đắt”, TS. Bùi Quang Tín nói.

Hạ tầng, công nghệ: Chưa đồng đều

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu cản trở việc thanh toán không dùng tiền mặt là do thói quen của người dân, cùng với đó là cơ sở hạ tầng phân bố chưa đồng đều, công nghệ lạc hậu, lo ngại về tính bảo mật… “Cản trở lớn nhất vẫn là văn hóa tiêu dùng, nhận thức của người dân. Người dân chưa thấy được rủi ro khi cầm tiền mặt, hay dùng quá nhiều tiền mặt, hoặc nhiều khi là họ muốn trốn thuế”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Còn theo quan điểm của TS. Bùi Quang Tín, việc tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt đối với người dân Việt Nam còn khá “xa vời”. Bởi trong thời gian qua, các tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt như thẻ ATM, thẻ tín dụng xảy ra nhiều rủi ro, đáng nói sau khi khách hàng bị mất tiền thì nhiều ngân hàng đổ lỗi qua lại. Như vậy thì làm sao người dân yên tâm.

Điều này một phần xuất phát từ hạ tầng, công nghệ lạc hậu của các ngân hàng. Ngay như Vietcombank - một ngân hàng hàng đầu Việt Nam nhưng vẫn chưa tiệm cận các thông lệ quản trị công nghệ thông tin quốc tế hiện hành, hệ thống phần mềm mua của nước ngoài từ... gần 20 năm trước. 

Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng chưa nâng cấp lên thẻ chip mà vẫn dùng thẻ từ, loại thẻ mà nhiều nước trên thế giới không còn dùng vì tính bảo mật, an toàn kém. “Hiện nay ở Việt  Nam có ngân hàng dùng thẻ chip, có ngân hàng thẻ từ. Mà ngân hàng đã có thẻ chip thì không sử dụng đầu cà thẻ từ, thẻ từ cà ngoài hệ thống với máy cà thẻ chip thì chi phí cao... Nên vì vậy các ngân hàng mặc dù vẫn liên thông với nhau nhưng hệ thống công nghệ chưa có sự kết nối gây khó khăn cho khách hàng” - TS Bùi Quang Tín cho biết.

Do đó, các chuyên gia cho rằng để gia tăng chất lượng sử dụng thẻ ngân hàng thì các ngân hàng cần tăng cường an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin thanh toán điện tử. Thanh toán điện tử được thực hiện qua các phương tiện điện tử, trong đó mọi dữ liệu (kể cả chữ ký) đều ở dạng số hóa, đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về tính bảo mật, an toàn, tránh mất tiền, lừa gạt, thay đổi thông tin, xâm nhập dữ liệu... là các rủi ro ngày một lớn. Có như vậy mới tạo được sự tin tưởng đối với khách hàng.

Tất nhiên, việc đầu tư công nghệ là rất tốn kém chi phí, nhưng các ngân hàng hoàn toàn có thể liên kết với nhau để cùng xây dựng hệ thống công nghệ, chia sẻ chi phí và cùng hưởng lợi từ công nghệ hiện đại. Việc mạnh ai nấy làm vừa gây tốn kém chi phí, lại không đồng đều về hạ tầng, thiếu sự liên kết khiến người dùng thẻ cảm thấy bất tiện, thiếu an toàn.