Tăng thuế VAT 2% tác động đến tiêu dùng không đáng kể

ANTD.VN - Trong khi nhiều ý kiến phản ứng khá gay gắt với đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT), ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP May Hưng Yên lại cho rằng việc tăng thuế sẽ ảnh hưởng không đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Bộ Tài chính đề xuất nâng thuế là vì ngân sách đang chịu nhiều áp lực. Điều này theo tôi là cần thiết vì hiện con số bội chi ngân sách đang lên tới gần 200 nghìn tỷ đồng mỗi năm đã cho thấy áp lực rất lớn và cần tìm nguồn cân đối.

Có nhiều ý kiến cho rằng tăng thuế VAT ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhưng theo tôi thì ảnh hưởng là không đáng kể. Thứ nhất, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ không bị ảnh hưởng vì sẽ được hoàn thuế VAT.

Tương tự, với doanh nghiệp sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước và chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, không phải nhập khẩu thì cũng sẽ được hoàn thuế nếu như nguyên liệu nhập vào đã phải chịu thuế. Những người nói doanh nghiệp bị tăng chi phí đầu vào do tăng thuế VAT theo tôi là họ chưa hiểu về chính sách thuế ở Việt Nam.

Còn việc tăng thuế VAT thêm 2% thực ra là đánh vào người tiêu dùng, doanh nghiệp nếu có tăng giá thì cũng chỉ là người thu hộ Nhà nước. Nhưng theo tôi tác động đến tiêu dùng là không đáng kể, vì thật ra hiện nay đến 80% các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày của người dân là không phải chịu thuế VAT. Chẳng hạn, người nghèo họ ra chợ mua mớ rau, cái bánh hay cái áo mấy chục nghìn đồng thì đâu có phải nộp thuế VAT. 

Còn với người thu nhập trung bình khá, việc tăng thuế thêm 2% tác động không đáng kể đến hoạt động chi tiêu của họ. Chẳng hạn, một chiếc áo giá 100 nghìn đồng, nếu thuế VAT 10% thì người tiêu dùng phải trả 110 nghìn đồng; còn thuế tăng lên 12% thì họ phải trả 112 nghìn đồng. Con số tăng thêm không đáng là bao nên nếu nói vì tăng thuế mà sức mua giảm thì cũng không phải. 

Đó là chưa kể, đa phần các mặt hàng bán ra trên thị trường là không xuất hóa đơn. Ngay cả những người thu nhập trung bình, khá, nhiều khi họ mua cái áo mấy trăm nghìn, hay đi ăn bữa ăn hàng triệu đồng có khi cũng không lấy hóa đơn, không phải nộp thuế VAT... Thế nên Nhà nước phải làm sao quản lý được vấn đề này để mở rộng đối tượng thu thuế, tăng thu cho ngân sách. Chứ tăng lên mà họ trốn thuế thì cũng không có ý nghĩa gì.

Còn về phản ứng của dư luận tôi cho là dễ hiểu, vì họ nghĩ tăng thuế thì đương nhiên giá cả tăng. Nhưng như phân tích của tôi ở trên thì ảnh hưởng là không nhiều. Cần phải nhìn một cách toàn diện về chính sách thuế ở ta, hiện nay chính sách thuế là hỗ trợ, nuôi dưỡng sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn cá nhân, hộ kinh doanh doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì không phải nộp thuế GTGT; trên 100 triệu đồng thì nộp thuế khoán...”.