Siêu dự án 1 tỷ USD chạy dọc sông Hồng: Xây 7 cảng, 6 nhà máy thủy điện

ANTĐ - Như Báo An ninh Thủ đô đã đăng tin, Bộ KH-ĐT vừa trình Chính phủ dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức hợp đồng BOO (Xây dựng- sở hữu- kinh doanh) với số vốn đầu tư trên 1 tỷ USD. 

Theo báo cáo của nhà đầu tư (Công ty TNHH Xuân Thiện, Ninh Bình), Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng đoạn Việt Trì - Lào Cai kết hợp với thủy điện khi hoàn thành sẽ tạo ra các lợi ích kinh tế xã hội rất lớn, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc, góp phần giảm áp lực đường bộ, đường sắt trên tuyến Hà Nội-Lào Cai.

Cũng theo báo cáo của Nhà đầu tư, dự án này sẽ tạo ra tuyến vận tải đường thủy thông suốt quanh năm từ Lào Cai - Hải Phòng cho tàu có trọng tải từ 400 tấn đến 600 tấn. Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ xây dựng 7 cảng dọc tuyến thuộc hệ thống cảng theo quy hoạch của ngành đường thủy nội địa bao gồm: cảng Phố Mới, cảng Apatit, cảng Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, cảng Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội), góp phần đẩy mạnh công nghiệp khoáng sản, hóa chất, luyện kim, vật liệu xây dựng, thế mạnh của các địa phương dọc tuyến.

​Sông Hồng đang bị đe dọa bởi siêu dự án thủy điện kết hợp đường thủy nội địa với 6 nhà máy thủy điện quy mô nhỏ

Theo báo cáo của nhà đầu tư thì dự án này sẽ thực hiện việc xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét 288km luồng sông Hồng đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai đạt tiêu chuẩn sông cấp III; kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ (cấp II), kiểu tuabin trục ngang cột nước thấp với tổng công suất thiết kế khoảng 228MW, cung cấp tổng 912 triệu kWh điện/năm.

Tổng mức đầu tư toàn dự án ước tính lên tới 24.510 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD. Trong đó, 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu; phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại, với lãi suất vay nội tệ là 9%/năm và lãi suất  vay ngoại tệ là 4%/năm. Với nguồn thu chính là phí luồng tuyến (đoạn Việt Trì - Yên Bái thu từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/tấn; đoạn Yên Bái thu 40.000 - 45.000 đồng/tấn); bán điện (giá bán điện khởi đầu là 1.900 đồng/kWh và có lộ trình tăng giá lên tới 3.560 đồng/kWh),… nhà đầu tư kỳ vọng hoàn vốn Dự án trong vòng 25 năm. Dự án đưa ra tiến độ thực hiện từ 2016-20201.

Để bức tranh hoàn vốn thêm sáng sủa, nhà đầu tư đề xuất, hỗ trợ giá bán điện đặc thù cho công trình, đồng thời có lộ trình tăng giá bán điện đế hỗ trợ bù giá thu phí vận tải thủy và chi phí quản lý thu phí, duy tu bảo dưỡng công trình (5 năm đầu 1.900 đồng/kWh, 5 năm tiếp theo 2.380 đồng/kWh, các năm tiếp theo tối thiểu (2.970 - 3.560 đồng) /kWh và theo quy định của ngành điện). Ngoài ra, miễn thuế sử dụng đất, miễn thuế tài nguyên nước và thuế dịch vụ môi trường rừng; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đến thời điểm hoàn vốn.

Đối với mức phí luồng tuyến và phí qua âu được điều chỉnh theo thời gian. Dự án miễn thu phí cho mọi phương tiện trong 3 năm đầu vận hành, không thu phí vĩnh viễn đối với các phương tiện có trọng tải < 50 tấn để vừa ldch thích nhu cầu vận tài thủy vừa đảm bảo hài hòa các lợi ích của chủ hàng, đơn vị vận tải.

Đáng nói, mặc dù dự án đưa ra  sẽ cải tạo, nạo vét, xây dựng trên 288km sông Hồng nhưng lại chỉ ảnh hưởng đến rất ít hộ dân. Cụ thể, dự án ước tính có 120 hộ dân (khoảng 600 người dân) sẽ bị di dời do nằm trong phạm vi xây dựng công trình dự án. Tổng diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 120 ha (gồm đất ở, đất trồng cây hàng năm, đất vườn, ao, rừng); trong đó đất nông nghiệp là 96 ha. Các hộ bị ảnh hưởng phần lớn là người Kinh sống ổn định từ lâu đời, 5% số hộ 1à dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Dao).

Dự án nằm trên địa bàn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, có 31 xã ở Lào Cai và Yên Bái nằm trong khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp do các công trình dập dâng nước, âu tầu và thủy điện của dự án. Khu vực địa bàn tỉnh Phú Thọ mức độ bị ảnh hưởng không đáng kế.

Bên cạnh đó, mực nước dâng tại các vị trí đập thiết kế luôn thấp hơn mực nước lũ hàng năm, do đó ít ảnh hưởng ngập lụt, không ảnh hưởng đến môi trường và hầu như không làm thay đổi so với hiện trạng.Việc đầu tư xây dựng kè bờ, nạo vét, chỉnh trị tuyến luồng tàu sẽ góp phần làm giảm tình trạng xói lở bờ sông, chống mất đất, đảm bảo an toàn các công trình dân sinh, kinh tế ven sông. “Những tác động của dự án đến môi trường đã được đánh giá sơ bộ cho thấy tác động tiêu cực đến môi trường là không lớn và có thể giảm thiểu”, nhà đầu tư đánh giá.