Rục rịch chuẩn bị hàng hóa cho Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018

ANTD.VN - Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị trực thuộc cần chủ động các giải pháp điều hành sản xuất, kinh doanh một cách đồng bộ và linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường... trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Hàng Tết dồi dào giúp bình ổn thị trường dịp Tết

Không để xảy ra thiếu hàng, găm hàng

Bộ Công Thương vừa yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cần theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn quản lý dịp cuối năm để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết.

Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết, thực hiện các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật;

Hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết.

Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối cũng cần có kế hoạch cụ thể để chuẩn bị hàng hóa, phục vụ người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

Bộ Công Thương yêu cầu Cục Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, cao điểm các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018;

Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại, chú trọng các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán.

Bắt đầu vào vụ Tết

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo có tiếng tại Hà Nội cho biết: "Chúng tôi đã lên kế hoạch sản xuất hàng hóa dịp Tết để phục vụ thị trường trong nước và nước ngoài, trong đó thị trường nước ngoài chúng tôi xuất khẩu chủ yếu là mứt Tết truyền thống. Tại thị trường trong nước, ngoài việc đảm bảo hàng hóa cung ứng cho thị trường Hà Nội, năm nay chúng tôi vừa ký kết kết nối cung cầu hàng hóa với một số tỉnh, thành phố phía Bắc nên sản lượng dự kiến tăng lên". 

Cũng theo doanh nghiệp này, giá hàng Tết Mậu Tuất 2018 sẽ không biến động nhiều so với năm ngoái, bởi lẽ thị trường bánh kẹo đang cạnh tranh khốc liệt với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất, chưa kể hiện tại bánh kẹo ngoại cũng được nhập khẩu rất nhiều vào Việt Nam.

Theo tính toán của Sở Công Thương Hà Nội, với khoảng hơn 10 triệu dân đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn, trong tháng Tết, Hà Nội cần khoảng 87.500 tấn gạo, tăng 5-7% so với các tháng khác trong năm.

Đối với thịt lợn, tháng Tết nhu cầu tiêu thụ khoảng 24.000 tấn, tăng từ 18-20%; thịt bò khoảng 6.153 tấn, tăng khoảng 15%; thịt gà khoảng 6.500 tấn, tăng khoảng 20%; thủy hải sản 5.500 tấn, tăng khoảng 10% so với các tháng thường.

Đối với thực phẩm chế biến, tháng Tết thành phố cần khoảng 5.500 tấn, tăng 10% - 15%; Rau củ cần 100.000 tấn, tăng khoảng 15%; Trứng gia cầm khoảng 100.000 triệu quả, tăng khoảng 5% - 10% so với các tháng khác trong năm.

Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, khả năng cung ứng các mặt hàng này của thành phố trong tháng Tết của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố còn khiêm tốn. Ngoài mặt hàng thịt lợn, thịt gà Hà Nội sản xuất cơ bản đáp ứng  đủ nhu cầu, còn các mặt hàng khác, Hà Nội chỉ tự đáp ứng được từ 15%- 66% nhu cầu, phải nhập từ nhiều địa phương khác.

Do đó, để đảm bảo cung cầu hàng hóa dịp Tết, Hà Nội đã tăng cường kết nối giao thương với nhiều địa phương trong cả nước để vừa có thêm nguồn hàng, vừa giúp các địa phương tiêu thụ nông sản, đặc sản an toàn.