Rầm rộ khuyến mãi, hàng vẫn ế

ANTĐ - Sức mua đang bị suy giảm nghiêm trọng khiến nhiều cửa hàng, siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội liên tiếp thực hiện các chiến dịch giảm giá, khuyến mãi lớn. Tuy nhiên, dù có kích cầu đến bao nhiêu, người tiêu dùng vẫn thờ ơ.

Khuyến mãi liên tiếp để kéo sức mua

Sức mua sụt giảm 50%

Mô tả bức tranh thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam hiện tại, ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị thành phố Hà Nội cho biết: “Nhiều siêu thị cho biết, sức mua ở thời điểm hiện tại đã sụt giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Có siêu thị lại viện lý do mở thêm địa điểm mới tại Hà Nội nhưng phải rút 4 địa điểm ở phía Nam…”. Kinh doanh ế ẩm đang là tình trạng chung của hệ thống các cửa hàng, siêu thị bán lẻ. Không những vậy, tình hình mua bán  tại các chợ dân sinh cũng không sôi động như trước. 

Để kích cầu tiêu dùng, các siêu thị liên tiếp tiến hành các chương trình khuyến mãi giảm giá. Điển hình là hệ thống siêu thị BigC. Trong nhiều tháng qua, BigC liên tiếp đưa ra các chương trình khuyến mãi cho hàng nghìn mặt hàng. Gần đây, từ 24-9, BigC lại áp dụng chương trình “Giá cực sốc - Tiết kiệm cực nhiều” và “Tôn vinh vẻ đẹp Việt” với mức giá giảm tới 50%. Tại một số siêu thị lớn như: Fivimart, CTM, Intimex… dường như để thu hút sự chú ý của khách hàng, biển hiệu, bảng niêm yết giá của chương trình bình ổn giá được treo ở vị trí bắt mắt.

Theo ông Phú, người kinh doanh năm 2011 tưởng đã khó khăn, thì đến giờ, họ lại thấy năm ngoái vẫn còn may mắn. Năm nay kinh doanh tồi tệ hơn và năm 2013 cũng chưa thấy có gì sáng sủa. Lạm phát và một số chi phí khác như: xăng dầu, điện nước, học phí, viện phí tăng đã làm người tiêu dùng gần như kiệt quệ. 

Không hy vọng sức mua tăng

Đó là nhận định của ông Vũ Vinh Phú. Phân tích nguyên nhân ế ẩm, vị chuyên gia thương mại này cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam hiện dành 70% chi tiêu cho lương thực, thực phẩm, nhưng các doanh nghiệp lại tăng cường khuyến mãi hàng điện máy, quần áo thời trang… nên khó kích cầu. Và quan trọng nhất là túi tiền của người dân ngày càng hạn hẹp, không còn dư dả cho chi tiêu. 

Chị Như Quỳnh (nhà ở phố Thái Thịnh - Đống Đa) chia sẻ: “Trước đây, cứ nghe thông tin siêu thị khuyến mãi là cả nhà kéo nhau đi mua sắm, mua thật nhiều về dùng dần. Nhưng hiện tại, chúng tôi có nghe thấy khuyến mãi cũng chẳng muốn đến siêu thị, bởi không sợ hết hàng giá rẻ. Mặt khác, chúng tôi làm kinh doanh, 2 năm nay cũng không thuận lợi, thu nhập của gia đình giảm sút”. 

Hàng hóa ế ẩm cũng khiến nhiều cửa hàng quần áo thời trang, đồ dùng gia đình… trên các tuyến phố liên tiếp giảm giá hoặc thanh lý cửa hàng. Tuy nhiên, hàng bán vẫn rất chậm. Chị Hiền - chủ cửa hàng quần áo thời trang trên phố Tôn Đức Thắng cho biết: “Chúng tôi đã nhập một số hàng thu đông và giảm giá hàng hè, nhưng khách đến rất thưa thớt. Bán hàng qua mạng cũng không khá khẩm hơn”.