Quảng bá kém, làm hội chợ cũng không tác dụng

ANTĐ - Không chỉ là diễn đàn để xúc tiến giao thương giữa các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước, hội chợ du lịch được tổ chức hàng năm là dịp giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch Việt Nam. Bài toán ở đây là tổ chức thế nào để hiệu quả, tránh lãng phí, để không chỉ giới kinh doanh mà người dân bình thường cũng biết đến hội chợ. 

Các gian hàng du lịch Việt Nam chưa đủ sức hấp dẫn

Thua kém là vì… cơ chế?

Nếu từng bước vào Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (VITM) 2014 được tổ chức vào tháng 4 tại Hà Nội, người xem có thể bị ấn tượng bởi các chiêu thức hút khách tại nhiều gian hàng quốc tế tại đây. Bắt sóng sự nổi tiếng của một bộ phim truyền hình Hàn Quốc, hãng hàng không Jeju Air đã dùng tấm panô in hình ngôi sao điện ảnh nổi tiếng của bộ phim này để quảng bá cho địa điểm quay bộ phim.

Thái Lan thì đưa một đội ngũ các nhân viên nhiệt tình massage cho du khách để tiếp thị các dòng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng. Còn Philippines cũng lôi kéo được sự chú ý bằng các màn trình diễn múa dân gian vô cùng đặc sắc. Chuyên nghiệp, đánh trúng thị hiếu của du khách, chẳng trách, các gian hàng này rất đông người ra kẻ vào. Trong khi đó, các gian hàng của Việt Nam chưa chiếm được sự quan tâm của du khách. Nơi “nóng” nhất ở hội chợ chỉ là các gian hàng bán vé máy bay giá rẻ của Vietnam Airlines, Jetstar được bố trí ở ngoài sảnh khu triển lãm.

Ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc điều hành công ty Lạc Hồng Voyages, doanh nghiệp từng góp mặt ở nhiều hội chợ du lịch trong nước và quốc tế cho biết: “Không thể phủ nhận là vẫn còn chênh lệch về sự hấp dẫn của các đơn vị du lịch trong nước và nước ngoài, các doanh nghiệp Việt vẫn còn phải cố gắng để học hỏi cho “bằng chị bằng em”.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chẳng hạn như Philippines, họ có quỹ xúc tiến du lịch từ Chính phủ, có cơ chế cho phép mở các văn phòng du lịch ở nước ngoài nên xúc tiến, quảng bá rất thuận lợi, bài bản. Còn Việt Nam thì chưa có cơ chế đó”. 

Hội chợ không chỉ là “sàn giao dịch”

Với việc Hội chợ Du lịch quốc tế BITM Đà Nẵng bắt đầu được tổ chức từ tháng 6 năm nay, ngành du lịch có tổng cộng 3 hội chợ du lịch lớn trải trên 3 thành phố lớn của cả nước, trong đó có 2 hội chợ thường niên tại Hà Nội và TP.HCM. Vào tháng 9 tới đây, Hội chợ ITE-HCMC tại TP.HCM sẽ được khai màn nên ngay từ lúc này, công tác tổ chức đang được gấp rút tiến hành.

Dễ nhận thấy, các hội chợ du lịch Việt Nam đang dần dần chuyên nghiệp hóa khi ngày càng mở rộng và gia tăng về số lượng, kết nối giao thương, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vai trò quảng bá điểm đến, kết nối giao lưu văn hóa vẫn là một trong những điểm còn thiếu ở các hội chợ du lịch Việt.

Cần nhớ thêm, hàng năm, ngành du lịch Việt Nam cũng đã dành khoản kinh phí không nhỏ để quảng bá du lịch ở các hội chợ có quy mô lớn trên thế giới như ITB (Đức), MITT (Nga), ITB - Asia tại châu Á… , tuy nhiên, hiệu quả về mặt hình ảnh không cao. 

Làm sao để đảm bảo quy mô, chất lượng, tránh tổ chức nhiều nhưng hình thức, lãng phí cũng là một trong những bài toán đặt ra đối với các cơ quan quản lý, các hiệp hội đứng ra tổ chức các hội chợ du lịch. Ông Trần Vĩnh Lộc cho biết: “Tổ chức phải tránh đi theo lối mòn, nhiều hội chợ nhưng cái nào cũng na ná nhau, hội chợ năm sau không khác gì năm trước”.

Ông Trần Vĩnh Lộc kiến nghị, đơn vị tổ chức nên chọn ra một vài doanh nghiệp tiêu biểu giới thiệu những sản phẩm du lịch đặc thù tới du khách. Việt Nam có du lịch biển, nhưng Thái Lan, Philippines hay đến Campuchia… cũng có nên không thể chỉ quảng cáo chung chung. Cái chính là phải xây dựng sản phẩm độc gắn với du lịch biển thì mới mong thu hút khách.