Quản lý sau cấp phép đăng ký kinh doanh: Thiếu chế tài, doanh nghiệp vi phạm nhởn nhơ

ANTD.VN - Tại tổ chức hội nghị phối hợp công tác quản lý doanh nghiệp sau đăng ký thành lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2017 do Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), bà Phạm Thị Kim Tuyến - Trưởng phòng đăng ký kinh doanh (Sở KH-ĐT) Hà Nội cho hay, hiện nay, mức xử phạt đối với doanh nghiệp vi phạm quá thấp, chưa đủ tính răn đe dẫn đến việc doanh nghiệp tái phạm nhiều lần, gây bức xúc cho xã hội. 

Quản lý sau cấp phép đăng ký kinh doanh: Thiếu chế tài, doanh nghiệp vi phạm nhởn nhơ ảnh 1Doanh nghiệp cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật

“Ví dụ, có vụ việc 4 doanh nghiệp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm chỉ bị phạt với số tiền 10,05 triệu đồng. Trong khi đó, việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, xử lý đối với hồ sơ giả mạo, doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh… vẫn gặp khó khăn nhất định do cơ sở pháp lý, điều kiện để thực hiện chưa đầy đủ, chặt chẽ. Hiện nay, đối với nội dung kê khai hồ sơ giả mạo chưa có quy định pháp lý nào điều chỉnh, nên cơ quan công an cũng gặp khó khăn trong việc xác định hồ sơ giả mạo để xác định đúng trường hợp thu hồi” - bà Phạm Thị Kim Tuyến nói.

Một hình thức vi phạm phổ biến khác là tình trạng sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích kinh doanh. Theo Luật Nhà ở năm 2014, hành vi sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở và cấm kinh doanh hàng hóa vật liệu gây cháy nổ tại chung cư và nhà ở riêng lẻ. Tuy nhiên, Luật quy định vậy nhưng lại thiếu chế tài xử lý, thậm chí chưa quy định cụ thể cơ quan nào có trách nhiệm xử lý các trường hợp sử dụng căn hộ chung cư làm trụ sở, địa điểm kinh doanh. Ngoài ra, tình trạng phổ biến tại các căn chung cư, tập thể cũ hiện nay là tổ chức kinh doanh ngay dưới tầng 1, nhưng cơ quan quản lý khó thực hiện yêu cầu họ không kinh doanh, không nhận được sự đồng thuận của nhân dân. 

Sở KH-ĐT Hà Nội cho biết, thực tế, số lượng doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn còn quá ít. Năm 2016, toàn thành phố có 94 doanh nghiệp vi phạm về ngành nghề kinh doanh có điều kiện bị rút giấy phép, yêu cầu tạm ngừng kinh doanh. Phần lớn các trường hợp vi phạm khác chỉ bị cơ quan quản lý gửi giấy thông báo vi phạm. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp nhận được giấy thông báo thuộc trường hợp vi phạm bị thu hồi giấy chứng nhận doanh nghiệp; 6 trường hợp phải xác minh dấu hiệu giả mạo thân nhân để thành lập doanh nghiệp và doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn.

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT Hà Nội, 5 tháng đầu năm 2017, thành phố có khoảng 10.530 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 79.051 tỷ đồng, tăng 12% về số lượng và 6% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến hết tháng 5, Hà Nội có 218.038 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, 71% lượng hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp được thực hiện qua mạng. 

Bà Phạm Thị Kim Tuyến cho biết, những doanh nghiệp có quy mô vừa hoặc khá trở lên, đang hoạt động ổn định, nhất là các doanh nghiệp có vốn Nhà nước tham gia chấp hành và tuân thủ các quy định của pháp luật kinh doanh tốt hơn doanh nghiệp nhỏ như: tổ chức đại hội cổ đông thường niên đúng hạn, hoạt động đúng ngành nghề đã đăng ký kinh doanh, nộp báo cáo tài chính hàng năm cho cơ quan quản lý đúng hạn quy định; thực hiện đúng Bộ luật Lao động… 

Để tăng cường hiệu quả quản lý các doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh, Sở KH-ĐT Hà Nội cho rằng cần hoàn thiện khung pháp lý liên quan, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để chuẩn hóa, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan để việc xử lý vi phạm được kịp thời và công khai.