Phí giao dịch ngân hàng điện tử vẫn "đè" nặng khách hàng

ANTD.VN - Dù việc thu phí đối với các dịch vụ ngân hàng điện tử là cần thiết để bù đắp chi phí đầu tư, nhưng mức thu ở nhiều ngân hàng đang ở mức quá cao.

Nhiều người dùng thẻ ATM cho rằng phí giao dịch vẫn còn cao

Mới đây, nhiều ngân hàng đã thông báo điều chỉnh phí một số dịch vụ ngân hàng điện tử. Một số chuyên gia cho rằng các ngân hàng nên cân nhắc việc thu phí phù hợp để khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt.

Tăng phí giao dịch điện tử

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa chính thức thông báo áp dụng biểu phí mới đối với dịch vụ ngân hàng điện tử. Theo đó, mức phí một số dịch vụ đã tăng lên, chẳng hạn phí chuyển khoản cho người hưởng tại ngân hàng khác tăng từ 6.600 đồng lên 7.000 đồng đối với khoản tiền dưới 10 triệu đồng; từ 10 triệu - 500 triệu đồng mức phí chuyển khoản cũng tăng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng...

Ngược lại, BIDV cũng loại bỏ, giảm, miễn một số loại phí khác. Cụ thể, từ tháng 4-2017, ngân hàng này miễn phí thường niên (phí duy trì dịch vụ) năm 2017 cho tất cả các loại dịch vụ BIDV online, BIDV business Online, BIDV bankplus, Smartbanking, đồng thời loại bỏ một số loại phí khác. Bên cạnh đó, mức phí chuyển tiền trong nước đến ngân hàng khác (trên 50 triệu đồng) cũng được ngân hàng này giảm từ 0.03% xuống 0,02%...

Giải thích về điều này, đại diện BIDV cho biết, tại biểu phí mới, BIDV có tăng một số loại phí nhưng thực tế trước đó BIDV đã có ưu đãi cho khách hàng nay không còn áp dụng ưu đãi nữa và khẳng định biểu phí BIDV không cao hơn các ngân hàng khác.

Cùng với BIDV, một vài ngân hàng khác cũng điều chỉnh phí một số dịch vụ ngân hàng điện tử. Chẳng hạn, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng chính thức tăng phí Internet Banking đối với khách hàng cá nhân từ 33.000 đồng lên 44.000 đồng/quý từ tháng 5-2017. Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) cũng mới tăng phí dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn SMS Banking lên 10.000 đồng mỗi tháng thay vì mức 8.800 đồng trước đó.

Tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), mỗi thuê bao phải đóng 30.000 đồng mỗi quý đối với khách hàng cá nhân và 50.000 đồng đối với khách hàng doanh nghiệp cho phí dịch vụ SMS Banking. Ngược lại, Eximbank cũng giảm phí chuyển tiền nhanh liên ngân hàng từ tài khoản sang tài khoản qua hệ thống Napas từ mức 22.000 đồng xuống 11.000 đồng.

Các ngân hàng thu quá nhiều phí?

Dù các ngân hàng đều khẳng định việc thu phí nhằm phục vụ cho việc đầu tư, nâng cấp máy móc, thiết bị và với việc thu phí ở mức hiện nay, ngân hàng vẫn phải bù lỗ, song nhiều khách hàng vẫn cho rằng mức phí ngân hàng thu còn cao. Chị Nguyễn Vân Anh (Hoàng Mai, Hà Nội), chủ thẻ ATM của Ngân hàng Vietcombank cho biết, chị thường xuyên phải giao dịch chuyển khoản qua Internet banking do làm kinh doanh với nhiều đối tác ở xa. Mấy năm trở lại đây, ngân hàng này thu phí chuyển khoản khá cao, mỗi giao dịch nội mạng chị bị thu phí 3.300 đồng, giao dịch ngoại mạng lên đến 11.000 đồng. 

“Mỗi ngày, tôi thực hiện chuyển khoản trên dưới 10 giao dịch, tính ra mỗi tháng tôi mất tiền triệu cho phí này. Trong khi đó, số tiền trong tài khoản của tôi thường xuyên ở mức 10 - 100 triệu đồng nhưng tiền lãi được hưởng không đáng kể, chưa đến 1%/năm. So với lãi suất gửi tiết kiệm thì ngân hàng đã được hưởng chênh lệch” - chị Vân Anh nói. Cũng theo chị Vân Anh, chị đã tìm hiểu và được biết một số ngân hàng không thu hoặc thu phí thấp với dịch vụ chuyển tiền online nội mạng, nhưng đa phần là những ngân hàng nhỏ, hệ thống ATM hạn chế, vì vậy chị không có lựa chọn nào khác.

Theo các chuyên gia, việc ngân hàng thu phí giao dịch qua thẻ để bù đắp chi phí cho các dịch vụ cung ứng là tất yếu và khách hàng khi sử dụng dịch vụ đương nhiên phải trả tiền. Tuy nhiên, mặt bằng chung của các ngân hàng tại Việt Nam đang thu quá nhiều loại phí. 

Chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nhiều nước thu phí rất thấp đối với thẻ ATM. “Các tài khoản ATM ở nước ngoài chủ yếu chịu vài loại phí như phí mở thẻ, phí chuyển khoản ngoại mạng. Còn các dịch vụ như chuyển khoản nội mạng, tra cứu tài khoản, truy cập thông tin, thậm chí in sao kê... đều không áp phí” - vị chuyên gia này cho biết.

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, việc áp phí chuyển khoản nội mạng là rất vô lý. “Chuyển tiền nội mạng ngân hàng thì tiền khách vẫn trong ngân hàng, đây là số tiền ngân hàng có thể sử dụng miễn phí hoặc phí rất thấp so với vốn huy động. Với một tài khoản thì không đáng kể nhưng cả triệu khách hàng thì số tiền này rất lớn. Vì lý do này, hầu hết các ngân hàng nước ngoài không áp phí chuyển khoản nội mạng đối với khách hàng” - chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.

Hiện nay, cũng theo ông Nguyễn Trí Hiếu, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam còn rất hạn chế, vì vậy các ngân hàng nên cân nhắc áp dụng các loại phí ở mức hợp lý để khuyến khích người dân.