Phí dịch vụ ngân hàng điện tử Vietcombank thay đổi, khách hàng bị ảnh hưởng như thế nào?

ANTD.VN - Vietcombank đã chính thức áp dụng biểu phí dịch vụ mới khiến nhiều khách hàng phàn nàn vì bỗng dưng bị tính phí các giao dịch mà trước đây từng được miễn phí hoặc tăng một số loại phí.

Từ ngày 1/3 vừa qua, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chính thức áp dụng biểu phí dịch vụ mới. Điều này đã khiến nhiều khách hàng phàn nàn vì bỗng dưng bị tính phí các giao dịch mà trước đây từng được miễn phí.

Cụ thể, trong biểu phí dịch vụ mới này, phí SMS Banking được ngân hàng này tăng từ 8.800 đồng lên 11.000 đồng/tháng (đã gồm thuế GTGT).

Phí chuyển tiền trong cùng hệ thống qua ứng dụng Internet Banking, Mobile Banking, trước đây được miễn phí thì nay khách hàng sẽ tốn 2.200 đồng/giao dịch cho khoản tiền dưới 50 triệu đồng và 5.500 đồng/giao dịch nếu chuyển từ 50 triệu đồng trở lên.

Cách tính phí với những giao dịch chuyển tiền của Vietcombank cũng thay đổi, căn cứ theo giá trị giao dịch.

Cụ thể, phí chuyển khoản cùng hệ thống Vietcombank được điều chỉnh giảm từ 3.300/giao dịch đối với chuyển khoản dưới 50 triệu đồng; nhưng tăng lên 5.500 đồng/giao dịch với khoản tiền từ 50 triệu đồng.

Phí chuyển khoản liên ngân hàng với giao dịch dưới 10 triệu đồng sẽ được giảm từ 11.000 đồng xuống 7.700 đồng. Ngược lại, các giao dịch chuyển khoản từ 10 triệu đồng sẽ tính phí theo 0,02% giá trị giao dịch, tối thiểu là 11.000 đồng và tối đa là 1.100.000 đồng (đã bao gồm VAT).

Nhiều phí dịch vụ của Vietcombank đã thay đổi từ ngày 1/3/2018

Như vậy, đối với khách hàng chuyển khoản liên ngân hàng dưới 10 triệu đồng sẽ có lợi hơn so với  áp dụng biểu phí trước đây, nhưng với những khoản tiền trên 50 triệu, phí chuyển khoản sẽ tăng đáng kể so với mức cũ 11.000 đồng áp dụng trước đó. Ví dụ, chuyển 100 triệu đồng thì phí sẽ là 22.000 đồng.

Lý giải việc thay đổi biểu phí dịch vụ, đại diện Vietcombank cho biết, biểu phí dịch vụ khách hàng cá nhân cũ đã được ngân hàng này ban hành từ năm 2009, vì vậy ngân hàng đã ban hành biểu phí mới thay thế theo hướng linh hoạt, phù hợp hơn với nhu cầu giao dịch của khách hàng. Đồng thời, Vietcombank đã gia tăng tiện ích để khách hàng chủ động quản lý việc sử dụng thẻ và các dịch vụ khác ngay trên các kênh điện tử mà không phải đến quầy.

Vietcombank cũng cho biết, việc điều chỉnh này đã được ngân hàng này thông báo từ ngày 27/1/2018. Đại diện ngân hàng này cũng cho rằng biểu phí dịch vụ mới không phải là tăng phí mà là “điều chỉnh phí”, theo đó có mức phí tăng nhưng cũng có nhiều mức phí giảm, có những giao dịch được miễn phí so với trước đây.

Cụ thể, Vietcombank cho biết, nếu khách hàng chỉ thực hiện các giao dịch giá trị thấp (dưới 50 triệu đồng trong hệ thống Vietcombank  hoặc dưới 10 triệu đồng với chuyển khoản ngoài hệ thống), thì theo biểu phí mới, mức phí giao dịch đã được điều chỉnh giảm tương ứng xuống từ 3.300 đồng/giao dịch còn 2.200 đồng/giao dịch và từ 11.000 đồng/giao dịch còn 7.700 đồng/giao dịch (đã bao gồm VAT).

“Ngân hàng chỉ áp dụng mức phí chuyển tiền liên ngân hàng tăng đối với các khoản tiền trên 50 triệu đồng, tuy nhiên, hạn mức chuyển tiền của khách hàng qua ebank hầu hết không quá 100 triệu đồng mỗi ngày nên số lượng khách bị ảnh hưởng không nhiều. Trong khi đó, 70% các giao dịch chuyển khoản qua Vietcombank hiện nay đều có giá trị nhỏ, dưới 10 triệu đồng, đây là những giao dịch có lợi khi áp dụng biểu phí mới” – một cán bộ ngân hàng này cho biết.

Đối với phí duy trì dịch vụ VCB-Mobile Banking và VCB-iBanking, Vietcombank cho biết, chỉ áp dụng khi khách hàng có phát sinh các giao dịch tài chính trong tháng. Hơn nữa, ngân hàng này đang áp dụng chính sách ưu đãi miễn phí 1 dịch vụ với khách hàng phát sinh giao dịch tài chính trên đồng thời cả 2 dịch vụ VCB-Mobile Banking và VCB-iBanking trong tháng...

Trên thực tế, thời gian qua không ít ngân hàng đã âm thầm điều chỉnh các mức phí dịch vụ. Thậm chí, hồi năm ngoái, một số ngân hàng còn kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước xin được tăng phí giao dịch qua  hệ thống máy ATM với lý do bù đắp chi phí đầu tư và nâng cấp hệ thống ATM nhưng chưa được chấp thuận.

Theo các chuyên gia, việc các ngân hàng điều chỉnh các loại phí giao dịch, trong đó có giao dịch qua ngân hàng điện tử là xu hướng dễ hiểu, bởi chi phí đầu tư, nâng cấp hệ thống với các dịch vụ này tương đối lớn, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu bảo đảm an toàn cho khách hàng ngày càng cao.

Dù vậy, một vài ngân hàng vẫn đang quảng bá các dịch vụ ngân hàng điện tử miễn phí hoặc chi phí giao dịch thấp. Đây là một hình thức khuyến khích khách hàng làm quen và sử dụng các dịch vụ này.