Phí ATM - nặng hay nhẹ?

ANTD.VN - Hiện nay, mỗi thẻ ghi nợ nội địa (ATM) chịu 4-5 loại phí cơ bản chứ không phải 20-25 loại phí như một số thông tin trên mạng.

Thống kê cho thấy, hiện có 13 ngân hàng áp dụng thu phí rút tiền nội mạng từ 500 - 3.000 đồng/giao dịch, các ngân hàng áp dụng nhiều mức phí khác nhau và chưa sử dụng hết trần cho phép nên Ngân hàng Nhà nước chưa nghiên cứu lộ trình tăng phí tiếp theo.

Phí ATM - nặng hay nhẹ? ảnh 1Khách hàng không phải trả chi phí cho tất cả dịch vụ thẻ nếu không sử dụng đến

Dùng dịch vụ nào, trả tiền dịch vụ đó

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, sau hơn 20 năm phát triển dịch vụ thẻ ở Việt Nam, đến nay, đã có 53 tổ chức phát hành và thanh toán thẻ với tổng số lượng phát hành trên 100 triệu thẻ, mạng lưới ATM của các ngân hàng đã được mở rộng với trên 17.000 ATM trên toàn quốc. 

Thế nhưng, số liệu thống kê cho thấy, số thẻ thực tế hoạt động chỉ chiếm khoảng 60 - 70% và có đến 85% số giao dịch là rút tiền mặt. Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính là do mỗi loại thẻ hiện đang gánh quá nhiều loại phí, lên tới 20 - 25 loại phí khác nhau. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, để đáp ứng nhu cầu giao dịch, thanh toán ngày càng cao của người dân và doanh nghiệp, các ngân hàng đã tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, tích hợp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng đối với dịch vụ thẻ (mobile banking, internet banking, SMS banking...).

Tương ứng với mỗi loại sản phẩm, dịch vụ cung ứng cho khách hàng, ngân hàng sẽ phải tính toán, xác định loại, mức phí phù hợp trên cơ sở cân đối với chi phí và phân khúc thị trường, đối tượng khách hàng. 

“Bởi vậy, nếu nhìn vào biểu phí dịch vụ thanh toán thẻ mà các ngân hàng phải công khai cho khách hàng thì bao gồm nhiều loại phí cho nhiều loại dịch vụ khác nhau. Tuy nhiên, khách hàng không phải trả tất cả các loại phí đó mà chỉ phải trả đối với loại dịch vụ mà mình sử dụng. Việc ngân hàng thu phí khi cung ứng dịch vụ cũng là phù hợp với pháp luật để bù đắp phần nào chi phí đầu tư” - ông Nguyễn Toàn Thắng nói.

Với thẻ ATM, Thông tư 35/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định, thông thường mỗi thẻ ATM chỉ chịu chủ yếu một số loại phí cơ bản như: phí rút tiền tại ATM, chuyển khoản nội mạng hoặc ngoại mạng, in sao kê...

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cho rằng, hiện mỗi thẻ ATM thông thường khách hàng chỉ phải trả khoảng 4 - 5 loại phí cơ bản và theo thông lệ quốc tế. Đây là chi phí để phục vụ cho việc đầu tư công nghệ, chi phí duy trì, theo dõi thẻ, xử lý những sự cố cho khách hàng...

Chưa có lộ trình tăng phí ATM

Tuy nhiên, mới đây, một số ngân hàng thương mại đã gửi kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước về việc có lộ trình điều chỉnh tăng phí giao dịch qua ATM nhằm bảo đảm bù đắp một phần chi phí cho các ngân hàng có đầu tư hệ thống ATM.

Theo đại diện một ngân hàng thương mại, con số này không bù đắp được chi phí của ngân hàng khi đầu tư vào hệ thống ATM, vì vậy việc ngân hàng kiến nghị có lộ trình tăng phí ATM là dễ hiểu. “Hiện nay, một giao dịch rút tiền, thanh toán qua ATM của khách trung bình khoảng 6.000 - 7.000 đồng, trong khi ngân hàng chỉ thu của khách hàng tối đa 3.300 đồng/giao dịch. Số tiền này ngân hàng cũng không được hưởng hết mà còn phải trả cho trung gian thanh toán” - đại diện ngân hàng này cho biết.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nhiều ngân hàng thương mại vẫn chưa sử dụng hết lộ trình tăng phí giao dịch qua ATM trong Thông tư 35 nên chưa đề cập đến việc điều chỉnh lộ trình tăng phí vào lúc này. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện có 13 ngân hàng áp dụng thu phí rút tiền nội mạng từ 500 - 3.000 đồng/giao dịch, các ngân hàng áp dụng nhiều mức phí khác nhau và chưa sử dụng hết trần cho phép nên Ngân hàng Nhà nước chưa nghiên cứu lộ trình tăng phí tiếp theo.