Nhiều "ông lớn" ngân hàng tăng lãi suất huy động: Liệu có đáng lo?

ANTD.VN - Nếu như trước đây, việc tăng lãi suất huy động thường chỉ diễn ra ở các ngân hàng cổ phần nhỏ thì động thái tăng lãi suất mới đây của một số ngân hàng thương mại nhà nước lớn đã khiến nhiều người lo ngại về việc lãi suất cho vay có thể sẽ tăng theo.

Như An ninh Thủ đô đã đưa tin, từ đầu tháng 11 đến nay, hàng loạt ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn khác nhau, với mức tăng dao động 0,1-0,5%. Không chỉ các ngân hàng nhỏ mà ngay cả các ngân hàng thương mại nhà nước như BIDV, Vietinbank cũng đã nhập cuộc.

Trong đó, BIDV tăng mạnh lãi suất ở kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng lên mức 4,8%/năm, tăng 0,5% so với mức lãi suất cũ; kỳ hạn 3 tháng tưng thêm 0,4%, lên mức 5,2%/năm. Vietinbank cũng tăng lãi suất ở cá kỳ hạn dưới 12 tháng thêm khoảng 0,3%.

Theo các chuyên gia, xu hướng tăng lãi suất tại các ngân hàng vào dịp cuối năm chủ yếu do yếu tố mùa vụ. “Hiện tượng này là không đáng lo, vì chỉ xảy ra cục bộ ở một số ngân hàng, có tăng có giảm do các ngân hàng đang cơ cấu lại kỳ hạn của nguồn vốn. Bên cạnh đó là yếu tố mùa vụ khi các ngân hàng đang phải chuẩn bị cho tín dụng và thanh khoản cuối năm” – TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết.

Việc tăng lãi suất huy động những ngày gần đây là không đáng lo ngại

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng việc các ngân hàng lớn thay đổi lãi suất huy động xuất phát từ nhu cầu về vốn khác nhau. Một số nhà băng giảm nhẹ lãi suất tiền gửi là để cơ cấu lại nguồn vốn, trong khi số khác tăng lên có thể do nhu cầu cho vay cuối năm lớn, nên họ tăng cường hút vốn.

Cũng theo các chuyên gia, việc một số ngân hàng lớn vào cuộc tăng lãi suất có thể xuất phát từ áp lực tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 21-22% nhưng đến hết tháng 10, tín dụng toàn ngành mới tăng trưởng 13,6%, tức còn room khoảng 8%.

Tuy nhiên, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng tăng trưởng tín dụng 21% chỉ là định hướng mong muốn của Chính phủ, không đồng nghĩa ngành ngân hàng phải tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá. “Khả năng con số tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ thấp hơn, tôi dự tính khoảng 17-18% và như thế cũng là phù hợp” – vị chuyên gia nhận định.

Dù vậy, các chuyên gia cho rằng khả năng tăng lãi suất cho vay vào cuối năm là gần như không có, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định sẽ giữ ổn định và nếu có thể, phấn đấu giảm lãi suất trong những tháng cuối năm.

Riêng động thái giảm lãi suất huy động 0,1% ở hầu hết các kỳ hạn của Vietcombank, các chuyên gia cho rằng đây là động thái tích cực. Bởi vì trên thực tế, một số ngân hàng lớn có thanh khoản tốt, có thể giảm lãi suất huy động, kéo theo đó giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, vì mục tiêu thị phần nên thời gian qua, hầu như không có ngân hàng nào chấp nhận giảm lãi suất. Lãi suất huy động được đẩy lên cao, nhất là ở các ngân hàng cổ phần nhỏ.