Nhập than để đảm bảo an ninh năng lượng

ANTĐ - Ước tính, lượng than nhập khẩu đến năm 2020 để phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước vào khoảng 48 triệu tấn, để phục vụ cho các nhà máy điện than đảm bảo vận hành. Số lượng than nhập khẩu này sẽ tăng dần qua các năm.

Ông Phạm Mạnh Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, theo quy hoạch điện giai đoạn 2011-2020, số lượng các nhà máy điện than sẽ ngày càng lớn. Dự kiến, năm 2020 có thêm 46 nhà máy điện than đi vào vận hành, tiêu thụ khoảng 77 triệu tấn than/năm. Trong đó, 25 nhà máy sẽ sử dụng than trong nước với số lượng khoảng 29 triệu tấn/năm; 21 nhà máy còn lại sẽ phải sử dụng than nhập khẩu với số lượng khoảng 48 triệu tấn/năm. Riêng năm 2012, theo ông Vũ Thanh Lâm - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), nhu cầu than cho sản xuất điện cần khoảng 17-18 triệu tấn, nguồn cung cấp than vẫn từ trong nước.

Để có lời giải bài toán đảm bảo nguồn than cho những năm tới, Chính phủ hiện đã giao cho (Vinacomin) chủ động tìm thị trường nhập khẩu để đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài cho đất nước. Thị trường đang được hướng tới là Australia và Indonesia. Bên cạnh đó, Chính phủ có chủ trương khuyến khích các nhà đầu tư ra nước ngoài mua than về cho đất nước; Khuyến khích các nhà máy điện tư nhân, nhà máy điện có vốn đầu tư nước ngoài tự nhập khẩu than để phát điện.

Trái ngược với xu thế tăng nhập khẩu, lượng than xuất khẩu sẽ giảm dần qua các năm. Ông Lâm cho biết: “Năm 2011, xuất khẩu than đạt gần 16,8 triệu tấn. Dự kiến, năm 2012 sẽ giảm xuống mức 13,5 triệu tấn. Lộ trình xuất khẩu này sẽ giảm dần xuống 8 triệu tấn, 5 triệu tấn và 3 triệu tấn vào các năm sau. Hiện nay, than cho sản xuất điện và xi măng trong nước chỉ cần có nhiệt lượng thấp, thuộc loại than cám 5 và cám 6 trở lên. Than nhiệt lượng cao được sàng tuyển trong nước chưa có nhu cầu sử dụng, trong khi các nước khác trên thế giới lại cần. Chúng tôi xuất khẩu số than tốt này vừa lấy lợi nhuận, vừa để có quan hệ”.