Nguy cơ khủng hoảng thừa hàng chục triệu tấn xi măng

ANTD.VN - Đây là cảnh báo được đưa ra khi sẽ có hàng loạt nhà máy xi măng công suất lớn được đưa vào vận hành, trong khi tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều không mấy dễ dàng. Nếu không xuất khẩu được thì lượng dư thừa năm 2017 là 30 triệu tấn, năm 2020 là 35 triệu tấn

Thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) chỉ ra rằng, đến năm 2016, tổng công suất thiết kế của ngành xi măng Việt Nam đạt gần 88 triệu tấn/năm. Nếu tính các dự án đang tiến hành đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2018, những nhà máy xi măng đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ năng lực sản xuất thực tế đến năm 2020 có thể lên đến 120-130 triệu tấn. Trong khi đó, dự báo tiêu thụ xi măng trong nước đến năm 2020 vào khoảng 82 triệu tấn, nghĩa là sẽ dư thừa 36-47 triệu tấn.

Cung đã vượt quá cầu

Số liệu của VNCA cũng ghi nhận, nhu cầu tiêu thụ nội địa năm 2016 đạt khoảng 60 triệu tấn. Dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước từ nay đến năm 2020 mỗi năm tăng 5-6 triệu tấn và đến năm 2020 nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước khoảng 80-82 triệu tấn. Vì vậy, sự dư thừa này có thể bắt đầu từ năm 2017. 

Được biết, cuối năm 2016 đã có thêm 6,8 triệu tấn xi măng từ 2 nhà máy mới là Nhà máy Xi măng Sông Lam giai đoạn I (công suất 4,5 triệu tấn) và Nhà máy Xi măng Long Sơn (công suất 2,3 triệu tấn) bổ sung vào tổng công suất ngành xi măng. Dự án Xi măng Thành Thắng (công suất 2,3 triệu tấn) cũng mới được đưa vào vận hành. Việc công suất không ngừng được bổ sung có thể khiến các doanh nghiệp phải cạnh tranh nhiều hơn để tiêu thụ sản phẩm.

Theo Viện Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng, trong khi nguồn cung xi măng hiện tại đã thừa so với cầu thì còn có 5 dự án đang xây dựng và sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, bổ sung thêm nguồn cung 12,7 triệu tấn, nâng tổng công suất đến năm 2020 đạt mức 101 triệu tấn. Quy hoạch dự báo nhu cầu xi măng trong nước đến năm 2020 đạt khoảng 95 triệu tấn, nhưng thực tế năm 2016 chỉ đạt mức 60 triệu tấn và 4 năm nữa nhu cầu khó có thể đạt như quy hoạch.

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, những dự án đầu tư mới chủ yếu là những dự án lớn với công suất lớn. Các dự án này đều có tên trong quy hoạch được duyệt, đồng nghĩa với việc đầu tư đúng theo quy hoạch. Nhưng công suất lại khác rất nhiều so với quy hoạch được duyệt. Trong quy hoạch duyệt một mức công suất nhưng khi đầu tư lại gấp 2-4 lần mức công suất được phê duyệt. 

Tuy nhiên, Chủ tịch VNCA cho rằng: “Tình hình cung - cầu hiện nay đang nằm trong tầm kiểm soát, tạm gọi là kiểm soát được. Còn nguy cơ thừa là trong vài năm nữa, nhưng đây là nguy cơ hiện hữu bởi mức tăng trưởng trong tiêu thụ có hạn. Theo tính toán của Hiệp hội thì tăng trưởng hàng năm chỉ khoảng 5 triệu tấn, nhưng trong những năm tới thì đầu tư tăng lên rất nhiều”.

Mặt khác, ông Nguyễn Quang Cung cũng chỉ ra thêm một nguyên nhân khác khiến công suất ngành xi măng tăng cao so với nhu cầu tiêu thụ. Đó là do công suất trong quy hoạch đã bị lạc hậu. “Theo cách tính trước đây thì để làm 1 tấn xi măng phải sản xuất 0,8 tấn clinker cộng với 0,2 tấn phụ gia (không thuộc công suất của lò).

Nhưng thực tế hiện nay, do công nghệ được cải tiến nên để làm ra 1 tấn xi măng chỉ cần 0,6 tấn clinker và 0,4 tấn phụ gia. Công suất trong quy hoạch chính là công suất đối với sản phẩm clinker, vì thế khi cải tiến công nghệ thì công suất thực tế được nâng lên.

Tổng công suất thiết kế các nhà máy xi măng hoàn thành trong năm 2016 là 88 triệu tấn, đây là con số trên giấy tờ, sổ sách còn con số trên thực tiễn lớn hơn rất nhiều. Như vậy, nguy cơ dư thừa xi măng đến từ việc đầu tư dự án vượt công suất so với quy hoạch và thứ hai là do doanh nghiệp cải tiến công nghệ”, ông Nguyễn Quang Cung phân tích.

Tiêu thụ khó khăn

Theo đánh giá của VNCA và các bộ, ngành có liên quan, trong tháng 5-2017, thị trường xi măng giữ ổn định, lượng sản xuất và tiêu thụ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, sản lượng xi măng của toàn ngành đạt 5,58 triệu tấn, tính chung 5 tháng đầu năm, tổng sản lượng xi măng của toàn ngành đạt 26,04 triệu tấn, giảm 11,16% so với cùng kỳ năm 2016. Về tiêu thụ, trong tháng 5, toàn ngành đã tiêu thụ được 6,95 triệu tấn xi măng và clinker, giảm 11,1% so với tháng 4. Trong đó, tổng lượng xi măng tiêu thụ nội địa trong tháng 5 đạt 5,28 triệu tấn, giảm 10% so với tháng 4-2017 và so với cùng kỳ năm 2016, lượng xi măng tiêu thụ nội địa đã giảm 7%.

Số liệu thu thập trong tháng 6 cũng cho thấy, lượng sản xuất và tiêu thụ xi măng giảm mạnh so với tháng 5. Thống kê của VNCA cho biết, trong tháng 6-2017, toàn ngành đã sản xuất được 4,98 triệu tấn xi măng, giảm 10,67% so với tháng 5-2017. Tính chung trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng xi măng của toàn ngành đạt 31,02 triệu tấn, giảm hơn 5,7% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong tháng 6-2017, lượng tiêu thụ xi măng và clinker của toàn ngành tiếp tục giảm so với tháng trước, cụ thể mức tiêu thụ đạt 5,89 triệu tấn, giảm 15,2% so với tháng 5. Tính riêng tiêu thụ nội địa, trong tháng 6, tổng lượng tiêu thụ đạt 4,62 triệu tấn, giảm 13% so với tháng 5-2017 và giảm 4% so với cùng kỳ năm 2016. 

Theo ông Nguyễn Quang Cung, giai đoạn sau năm 2014, tiêu thụ xi măng nội địa hàng năm đều tăng. Ví dụ như năm 2016, mỗi tháng đều tăng từ 6-10% mỗi tháng, tuy nhiên những tháng gần đây lại giảm xuống. “Đây là vấn đề đáng phải lo lắng nhất”, ông Cung nói. Về nguyên nhân, ông Nguyễn Quang Cung cho rằng, có thể do giá cát xây dựng tăng quá cao, nguồn cung cát cũng thiếu nên các công trình bị đình trệ. Mặt khác, có thể do năm nay mưa nhiều nên các công trình bị chậm lại.

Trong khi tiêu thụ trong nước giảm, thị trường xuất khẩu cũng hết sức khó khăn. Theo thống kê của VNCA, hiện nay cả nước có gần 80 dây chuyền sản xuất xi măng với năng lực sản xuất thực tế cao hơn công suất thiết kế. Nếu không xuất khẩu được thì lượng dư thừa năm 2017 sẽ là 30 triệu tấn và năm 2020 là 35 triệu tấn. Như vậy, thị trường xi măng cung vẫn vượt cầu khoảng 20%. Giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng, thị trường xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn do áp lực cạnh tranh với nguồn cung dồi dào, giá rẻ từ các nước láng giềng, nhất là Trung Quốc.

Thực tế cho thấy, trong xu thế hội nhập quốc tế, thị trường tiêu thụ sản phẩm luôn là cuộc cạnh tranh gay gắt. Khối ASEAN mở cửa thông thương. Giá xuất khẩu xi măng, clinker đã và đang xuống rất thấp, cùng với sự dư thừa công suất của xi măng Trung Quốc đã lên đến 600 - 700 triệu tấn, số dư thừa gấp 7 - 8 lần tổng công suất của Việt Nam hiện tại. Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và một số nước thi nhau hạ giá xuất khẩu, chiếm lĩnh thị phần làm cho giá xuất khẩu của Việt Nam liên tục giảm.

Trước tình hình nêu trên, ông Nguyễn Quang Cung cho rằng, quy hoạch Chính phủ đang giao điều chỉnh sẽ không có dự án đầu tư mới mà chỉ là đầu tư chiều sâu theo hướng cải tạo môi trường, nâng cao hiệu quả, chất lượng. Những dự án đang đầu tư thì khả năng dừng là rất khó bởi nhà đầu tư đã tiến hành.

“Hiện tiêu thụ đang trong tầm kiểm soát, doanh nghiệp có khó khăn, sản xuất không hết công suất nhưng vẫn có thể tồn tại được, nhưng đến một lúc nào đó, nếu tình hình quá khó khăn thì phải sử dụng biện pháp mang tính điều hành của Nhà nước để các doanh nghiệp có thể chung sống hài hòa. Mặt khác, bản thân các doanh nghiệp cũng sẽ phải tự điều chỉnh, đây cũng là việc các doanh nghiệp làm trong nhiều năm nay. Các doanh nghiệp biết được thị phần cũng như thị trường của mình, qua đó tính toán để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp”, ông Nguyễn Quang Cung nói.

“Năm 2016, tiêu thụ trong nước là 60 triệu tấn và xuất khẩu là 15 triệu tấn. Như vậy, chúng ta xuất khẩu được khoảng 25%, tỷ trọng xuất khẩu như vậy là tương đối lớn. Tuy nhiên, xuất khẩu xi măng rất khó khăn, hiệu quả rất thấp. Trong thời gian tới, thị trường xuất khẩu được dự báo vẫn sẽ giữ ở mức ổn định như hiện nay, khoảng 15-16 triệu tấn/năm. Chúng tôi cũng đang cố gắng thúc đẩy xuất khẩu, khi xuất khẩu tăng lên sẽ gánh đỡ cho tiêu thụ trong nước”. 

Ông Nguyễn Quang Cung (Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam)