Ngân hàng vẫn lách trần huy động lãi suất USD?

ANTD.VN - Một số thông tin cho rằng các ngân hàng thương mại bằng cách này hay cách khác vẫn đang trả lãi suất tới 2% cho người gửi USD.

Đề nghị tăng lãi suất USD vẫn đang gây tranh cãi

Trong khi lãi suất huy động USD là 0% nhưng lãi suất cho vay ở mức 2,8-6% tùy kỳ hạn nên các ngân hàng vẫn khá “mặn mà” với huy động USD. Việc tín dụng ngoại tệ trong 6 tháng đầu năm 2017 tăng tới  7,3% so với cùng kỳ năm 2016 cũng cho thấy nhu cầu USD của các ngân hàng đang tăng.

Gửi USD vẫn được trả lãi 2%?

Theo các chuyên gia, việc áp trần lãi suất USD 0% hơn 1 năm qua đã xuất hiện tình trạng một số ngân hàng thương mại phải lách trần để huy động USD thông qua các hình thức khuyến mãi, hoa hồng cho khách hàng. Hay tại một vài ngân hàng, người dân gửi USD được ngân hàng thỏa thuận “đi đường vòng” để được hưởng lãi suất.

Chẳng hạn, khách hàng sẽ vẫn gửi USD vào ngân hàng với lãi suất 0%, ngay sau đó sẽ thế chấp sổ tiết kiệm để vay lại VND với lãi suất ưu đãi 4-5%/năm, rồi tiếp tục gửi tiết kiệm số tiền VND này với lãi 6-7%. Như vậy, mức lãi suất người gửi được hưởng vào khoảng 2%.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) nhận định, những thông tin được công bố gần đây cho thấy các ngân hàng thương mại bằng cách này hay cách khác vẫn đang trả lãi suất tới 2% cho người gửi USD, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định mức lãi suất tối đa cho tiền gửi USD trong hệ thống ngân hàng là 0%. Hệ quả là người dân và doanh nghiệp vẫn tiếp tục nắm giữ USD khiến cho công cuộc chống đô la hóa của NHNN gặp nhiều khó khăn. 

Dẫn số liệu của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho thấy, tín dụng ngoại tệ trong 6 tháng đầu năm 2017 đã tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2016, TS Nguyễn Đức Độ cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do khi rủi ro về tỷ giá không lớn (đặc biệt là khi đồng USD giảm giá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2017), còn lãi suất cho vay VND lại ở mức cao, nhu cầu vay và huy động USD sẽ có xu hướng gia tăng. 

Cụ thể, với mức lãi suất cho vay hiện nay là 7% còn kỳ vọng VND mất giá so với USD chỉ khoảng 2%/năm, các doanh nghiệp sẽ có nhu cầu vay USD với mức lãi suất từ 4-5% và do vậy, các NHTM cũng sẽ có nhu cầu huy động USD từ nền kinh tế với mức lãi suất từ 1-2%.

Hạ lãi suất VND sẽ giảm đô la hóa

Trước thực trạng chênh lệch lãi suất VND và lãi suất USD nêu trên, một số đề xuất cho rằng NHNN cần nâng lãi suất tiền gửi USD để huy động vốn USD với lãi suất thấp. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đức Độ, nếu lãi suất chỉ được nâng nhẹ lên mức 0,5-1% như mức đề xuất hiện nay sẽ không  tác động đáng kể tới việc huy động thêm vốn cho nền kinh tế, bởi các ngân hàng thương mại hiện vẫn đang huy động USD với lãi suất 2%.

Nhưng nếu nâng lãi suất huy động USD lên mức 2% hoặc cao hơn, thì với rủi ro tỷ giá là 2%/năm và chênh lệch lãi suất huy động và cho vay (NIM) là 3%, lãi suất cho vay VND sẽ khó có thể giảm xuống dưới mức 7% hiện nay. Và do vậy, chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ sẽ khó được thực hiện.

Mặc dù vậy, theo chuyên gia này, trên thực tế, lãi suất VND sẽ quyết định mức lãi suất USD, chứ không phải ngược lại. Bởi vậy, một giải pháp khác cho thực trạng chênh lệch lãi suất giữa USD và VND hiện nay là giảm lãi suất cho vay VND để từ đó giảm nhu cầu vay USD từ các doanh nghiệp cũng như nhu cầu huy động USD từ các ngân hàng thương mại.

Khi lãi suất cho vay giảm xuống, chẳng hạn còn 6% thay cho 7% như trước đây và NHNN tiếp tục ổn định tốc độ mất giá của VND so với USD ở mức khoảng 2%/năm, các doanh nghiệp sẽ chỉ có nhu cầu vay USD nếu lãi suất cho vay USD giảm xuống còn từ 3-4% và các NHTM sẽ chỉ có nhu cầu huy động USD ở mức lãi suất từ 0-1%. 

“Về lý thuyết, tình trạng găm giữ USD sẽ chủ yếu phụ thuộc vào tương quan lãi suất giữa VND và lãi suất USD, nên khi giảm đồng thời 1% đối với cả lãi suất VND và lãi suất USD, sẽ không có tác động giảm tình trạng đô la hóa. Tuy nhiên, trên thực tế do việc nắm giữ USD phải chịu các chi phí liên quan đến mua/bán, chuyển đổi, thậm chí cả vấn đề pháp lý, nên khi mức lãi suất USD giảm về mặt tuyệt đối xuống còn 0%, động cơ găm giữ USD và tình trạng đô la hóa nhiều khả năng sẽ giảm theo” - TS Nguyễn Đức Độ nhận định.

Vì vậy, theo chuyên gia này, nếu NHNN không thể ngăn chặn các NHTM lách luật trong việc thỏa thuận lãi suất USD với người gửi tiền, thì việc duy trì lãi suất VND quá cao so với USD sẽ không phải là giải pháp hiệu quả để hạn chế tình trạng đô la hóa nền kinh tế.