Ngân hàng phá sản, tiền gửi của khách hàng sẽ thế nào?

ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước đang bảo lãnh tiền gửi đối với khách hàng tại các ngân hàng 0 đồng. Vậy trong trường hợp ngân hàng phá sản, khách hàng gửi tiền có bị ảnh hưởng? 

Dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lấy ý kiến đã đề cập đến việc cho phép phá sản ngân hàng. Theo các chuyên gia, đây là vấn đề nhạy cảm nhưng là giải pháp cần thiết và đúng với thông lệ quốc tế.

Ngân hàng phá sản, tiền gửi của khách hàng sẽ thế nào? ảnh 1Khách hàng gửi tiền được ưu tiên đảm bảo quyền lợi trong trường hợp ngân hàng bị mua lại giá  0 đồng hoặc phá sản

Phá sản là bước đường cùng

Theo dự thảo luật đang được lấy ý kiến, khi TCTD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, sẽ được vay đặc biệt của NHNN, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã và các TCTD khác để hỗ trợ thanh khoản nếu lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống; để hỗ trợ phục hồi hoặc xử lý pháp nhân theo phương án phục hồi, phương án phá sản, phương án mua bắt buộc đã được phê duyệt.

Sau khi hoàn thành việc đánh giá thực trạng tổng thể của TCTD yếu kém, Ban Kiểm soát đặc biệt (do NHNN thành lập) sẽ đề xuất chủ trương xử lý TCTD yếu kém.

Đối với TCTD thuộc diện phục hồi, khi hết thời hạn mà không phục hồi theo các tiêu chí nêu tại phương án đã được phê duyệt; hoặc NHNN xét thấy TCTD được kiểm soát đặc biệt không có khả năng phục hồi theo phương án đã được phê duyệt thì NHNN quyết định hoặc trình Chính phủ quyết định việc thực hiện phương án phá sản, giải thể hoặc mua bắt buộc theo quy định.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, giải pháp phá sản ngân hàng là giải pháp cuối cùng được tính đến đối với việc xử lý TCTD yếu kém. Đây sẽ là một quá trình dài và phức tạp nhưng đúng với thông lệ quốc tế. TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, với quy định hiện hành thì xác suất một ngân hàng Việt Nam phá sản đang bằng 0.

“Luật Phá sản đã có một chương về phá sản ngân hàng nhưng chưa được áp dụng. Hiện tại, nếu ngân hàng nào yếu kém thì NHNN sẽ mua với giá 0 đồng chứ không cho phá sản. Tuy nhiên, nếu dự thảo này thành luật thì tình hình có thể sẽ khác”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.

Tương tự, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, 3 ngân hàng thương mại được mua lại với giá 0 đồng trong thời gian qua vẫn chưa được xử lý triệt để, chưa thể hồi phục như các ngân hàng thương mại khác, vì vậy, việc mua lại bắt buộc các ngân hàng yếu kém khác không nên triển khai ồ ạt. Tuy nhiên, nếu ngân hàng không thể hồi phục thì nên xem xét cho phá sản, tránh để kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước cũng như khách hàng.

Khách hàng liệu có mất tiền?

Hiện tại, NHNN đang sở hữu 3 ngân hàng 0 đồng và quyền lợi của khách hàng tại các ngân hàng này vẫn được đảm bảo. Đặt giả thuyết trường hợp ngân hàng phá sản, khách hàng gửi tiền có bị ảnh hưởng? 

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, quyền lợi đầu tiên là khách hàng sẽ được đảm bảo bởi bảo hiểm tiền gửi. Theo đó, khách hàng sẽ được thanh toán số tiền tối đa theo hạn mức thanh toán của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV).

“Hiện nay, hạn mức tối đa của bảo hiểm tiền gửi là 50 triệu đồng, nghĩa là khi ngân hàng phá sản, khách hàng sẽ được chi trả tối đa 50 triệu đồng. Con số này đang được tính đến việc nâng lên và những khách hàng có số tiền gửi dưới hạn mức này thì không lo lắng”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.

Với quyền lợi của những khách hàng có số tiền gửi cao hơn hạn mức bảo hiểm thanh toán, trong dự thảo, NHNN cũng khẳng định thông điệp đảm bảo quyền lợi người gửi tiền. Cụ thể, Điều 26 của dự thảo luật quy định: Chính phủ quyết định mức cho vay đặc biệt theo đề nghị của NHNN để chi trả số tiền gửi cá nhân còn lại sau khi đã được Bảo hiểm tiền gửi chi trả và cơ chế xử lý đối với số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được từ ngân sách Nhà nước.

Có điều, việc chi trả tiền gửi cá nhân trên không bao gồm tiền gửi của cá nhân là người quản lý, người điều hành; cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn (trừ thành viên góp vốn của quỹ tín dụng nhân dân); những người có liên quan đến 2 đối tượng nêu trên.

Những cá nhân nêu trên sẽ phải trông chờ vào việc bán thanh lý tài sản. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, số tiền thu được sau khi bán thanh lý tài sản cũng phải phân chia theo thứ tự ưu tiên như chi phí phá sản; khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động; nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; các khoản nợ...