Ngân hàng Nhà nước đốc thúc các ngân hàng xử lý nợ xấu

ANTD.VN - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản gửi các ngân hàng về việc chỉ đạo tăng cường xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản chỉ đạo các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội “Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” (Nghị quyết 42).

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 trong toàn hệ thống, chỉ đạo các bộ phận liên quan thực hiện rà soát, đánh giá cụ thể nhằm nhận diện đầy đủ tình trạng nợ xấu.

Đặc biệt với các khoản nợ xấu lớn, các ngân hàng phải đánh giá xem tài sản đảm bảo cho các khoản vay này có khả năng thu hồi hay không, nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ xấu. Trên cơ sở đó có các giải pháp hiệu quả nhằm xử lý, thu hồi...

Cùng với đó, chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan công an, tòa án, thi hành án các cấp trong quá trình thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo nhằm thu hồi tối đa giá trị tài sản bảo đảm và các khoản nợ xấu.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị quyết 42

Các ngân hàng cũng phải phối hợp với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo của các khoản nợ đã bán cho VAMC.

Đồng thời tích cực tìm kiếm các đối tác mua nợ đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC và được VAMC ủy quyền bán nợ; tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ trích lập dự phòng đối với nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt nhằm thực hiện tất toán trái phiếu trước hạn hoặc đúng thời hạn theo quy định; xem xét, đẩy mạnh hoạt động mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường.

Các ngân hàng cần lưu ý truyền thông đến khách hàng đang có nợ xấu để khách hàng hiểu rõ quyền lợi hợp pháp của ngân hàng trong việc xử lý nợ cũng như trách nhiệm trả nợ của khách hàng đối với khoản nợ vay.

Cùng với đó, phải nâng cao chất lượng tín dụng, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh cũng như thực hiện nghiêm việc báo cáo định kỳ về cho Ngân hàng Nhà nước.

Theo đánh gia, năm 2017, quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được đẩy nhanh hơn, đặc biệt trong những tháng cuối năm nhờ tác động rõ rệt của Nghị quyết 42. Các tổ chức tín dụng đã hạn chế chuyển nợ sang Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC), xử lý nợ xấu qua các hình thức như bán nợ, phát mại tài sản bảo đảm, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng và các hình thức khác được đẩy mạnh hơn.

Theo Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, trong năm 2017, đã xử lý khoảng 70.000 tỷ đồng nợ xấu, tăng 40% so với năm 2016. Trong đó, thu nợ từ khách hàng chiếm 54%, sử dụng dự phòng rủi ro tín dụng chiếm 42,3%, phát mãi tài sản chiếm 2,3%.

Nghị quyết số 42/2017/QH14 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg đã đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu kể từ quý IV/2017. Nghị quyết số 42 về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã cơ bản tháo gỡ được các vướng mắc về pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm như: Trao quyền thu giữ tài sản đảm bảo cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; Áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo tại tòa án; Tạo cơ chế xử lý tài chính với các tổ chức tín dụng khi bán nợ xấu.

Tuy nhiên, kết quả xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng chưa được như kỳ vọng do hoạt động bán nợ xấu theo giá thị trường còn rất hạn chế; quá trình tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém và ngân hàng được mua 0 đồng chậm.

Mới đây Ngân hàng Nhà nước cũng đã đặt chỉ tiêu cụ thể với VAMC trong năm 2018 phải xử lý tối thiểu 140.000 tỉ đồng nợ xấu đã mua, đồng thời VAMC cũng phải hoàn thành mua nợ xấu theo giá trị thị trường tổi thiểu 6.600 tỉ đồng trong năm nay.